Võ Thuật HOÀNG GIA là sự kết tinh từ bộ môn võ cổ truyền của Việt Nam kết hợp với các tinh hoa võ học Quốc Tế - Giúp con người đạt đến Chân - Thiện - Mỹ trong võ học. Liên Hệ Hotline Để Được Hỗ Trợ:0902641618

Thứ Sáu, 16 tháng 6, 2017

Xung quanh văn bản “gây bão” của Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam: Vì sao “bão nổi”?

Ông Hoàng Vĩnh Giang dự kỳ thi Đai đẳng cấp Quốc gia khu vực 3 - 2017. Ảnh: Voctruyenvietnam.vn
Một văn bản tưởng như chỉ mang tính thông báo của Liên đoàn Võ thuật cổ truyền đang “gây bão” trong làng võ, khi khẳng định chắc nịch về quyền hạn duy nhất và chính thống, có tư cách pháp nhân liên quan đến các tranh cãi trước đó về những thay đổi trong việc tổ chức thi lên đai, đẳng cho các võ sinh, trợ giáo và võ sư các cấp…
Khẳng định quyền lực tuyệt đối
Nếu nhìn vào văn bản mà Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam gửi tới các bên liên quan, có thể thấy rõ đó là một sự khẳng định và cố gắng khẳng định quyền lực, quyền hạn tuyệt đối của tổ chức xã hội nghề nghiệp này đối với loại hình võ thuật vừa đa dạng, vừa mang tính đặc thù cao này.
Theo đó, Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam là tổ chức “duy nhất và chính thống” có tư cách pháp nhân của Bộ VHTTDL, Bộ Nội vụ trong việc tổ chức thi lên đai, đẳng cho các võ sinh, trợ giáo và võ sư các cấp trong và ngoài nước trong quá trình luyện tập hoặc hành nghề võ thuật cổ truyền Việt Nam; Có thẩm quyền công nhận đẳng cấp đại võ sư, võ sư, trợ giáo, trọng tài võ thuật cổ truyền Việt Nam.
Ngoài ra, Liên đoàn cũng có trách nhiệm phối hợp với các sở, ngành, liên đoàn/hội võ các tỉnh, thành xem xét các đề xuất để truy phong, đặc cách truy phong hoặc tấn phong các danh hiệu cao quý như đại võ sư, võ sư chính thức hay võ sư danh dự….
Đáng nói hơn, Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam cho rằng đương nhiên có những quyền hạn như trên xuất phát từ các văn bản pháp luật, cụ thể là khoản 10 điều 8 Quyết định phê duyệt điều lệ sửa đổi bổ sung Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam ngày 10.3.2014 của Bộ Nội vụ.
Trong văn bản này, Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam còn nêu rõ các cơ quan, tổ chức khác không có chức năng chính thống sẽ không được quyền công nhận và sự tồn tại hoặc sự ra đời của bất cứ môn phái, dòng võ mới nào, không được quyền phong đai, phong đẳng cấp cho các võ sư, trợ giáo của võ thuật cổ truyền Việt Nam.
Có nghĩa là hiểu theo cách nào, toàn bộ hoạt động liên quan đến đời sống của võ thuật cổ truyền Việt Nam đều thuộc quyền điều hành, chi phối, giải quyết của Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam, theo nghĩa là đơn vị quản lý “duy nhất và chính thống”.
Và “bão nổi”…
Ngay sau khi ban hành, văn bản thông báo của Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam đã gây xôn xao làng võ Việt, hiện đang có tới cả trăm môn phái khác nhau trên khắp cả nước. Rất nhiều ý kiến trên các diễn đàn cho rằng, đó là biểu hiện của sự cửa quyền, lạm quyền và thậm chí là “ngồi trên thiên hạ”.
Nếu suy xét kỹ, các nội dung mà Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam khẳng định, đưa ra như việc tổ chức thi lên đai đẳng, công nhận đẳng cấp đều phù hợp với quy định trong Điều lệ Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam. Ví như ở điểm 12, khoản 8, điều 8 của điều lệ sửa đổi bổ sung Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam có quy định “tổ chức thi lên đai, lên đẳng cho các võ sinh trong và ngoài nước luyện tập võ thuật cổ truyền Việt Nam; công nhận đẳng cấp đại võ sư, võ sư, huấn luyện viên, trọng tài võ cổ truyền Việt Nam”.
Tuy nhiên, văn bản gây tranh cãi với những ý kiến phản đối gay gắt chính từ mấu chốt nằm ở khái niệm “duy nhất và chính thống” mà Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam khẳng định. Đó là điều không tìm thấy ở bất cứ văn bản quy định nào, kể cả điều lệ của chính Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam.
Việc Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam ban hành văn bản này vô hình trung còn tạo nên sự đối lập, chia rẽ trong làng võ khi nói về các cơ quan, tổ chức mà theo họ là “không chính thống”, không được phép làm. Bên cạnh đó, cách diễn đạt “không được quyền”, “không được phép” được lặp đi lặp lại. Theo nhiều võ sư, đó là sự ắp đặt quyền lực một cách vô lối, quá xa lạ với một tổ chức xã hội nghề nghiệp của một hay một nhóm môn thể thao.
Văn bản kể trên có lẽ đã không “gây bão” nếu Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam chỉ nhắm tới đối tượng phù hợp là các thành viên của mình, hay chỉ thể hiện đúng chức năng, quyền hạn thay vì cố gắng khẳng định quyền lực bằng được.
Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng cũng rất bất ngờ trước văn bản kể trên và cho biết ngành thể thao sẽ xem xét kỹ lưỡng về mọi mặt trước khi đưa ra ý kiến chính thức với tư cách cơ quan quản lý nhà nước.
“Tôi khẳng định rằng Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam không làm bất kỳ điều gì sai, dưới sự chỉ đạo của Bộ VHTTDL và Chính phủ, của Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Nguyễn Khánh - người đã ký quyết định cho ra đời Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam và chỉ đạo hoạt động ở nhiệm kỳ này là Phó thủ tướng Vũ Đức Đam” - ông Hoàng Vĩnh Giang phát biểu.

http://laodong.com.vn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Liên Hệ [x]
hotline090 264 1618