Học võ vừa giúp con rèn luyện sức khỏe, vừa có lợi cho tinh thần; hơn nữa trong
trường hợp cần thiết, ít nhất con cũng bảo vệ được bản thân, tránh trường hợp
bị đánh, bị bắt nạt,... - nhiều phụ huynh chia sẻ.
Bạo lực học đường đã không còn là vấn đề có thể thờ ơ
hiện nay. Biết bao nhiêu vụ "bê bối" trong trường học gây ra bởi các
em học sinh mà tính chất ngày càng trở nên nghiêm trọng, khiến phụ huynh không
thể làm ngơ. Chuyện học sinh đánh nhau, xé áo, cắt tóc,...; chuyện cả nhóm bạn
"đánh hội đồng" một bạn khác, chuyện các nữ sinh túm tóc, dùng ghế
ném bạn,... cứ xảy ra mỗi ngày, và bất cứ người làm cha, làm mẹ nào có con đi
học cũng vô cùng lo lắng. Nhất là những phụ huynh mà con cái có phần nhút nhát,
yếu ớt.
Con
đi học, mẹ thấp thỏm lo
Chị Trương Trúc Lan Anh (quận 1, Tp.HCM) có con mới vào lớp 10 tâm
sự: "Ngày bé, con tôi đã rất
nhút nhát nên hay bị bạn bè trêu chọc, bắt nạt. Nhưng hồi đó chỉ là chuyện lũ
trẻ trêu đùa, có khi ngồi trong lớp giật tóc, giấu dép, giấu sách bút... của
nhau đi thôi chứ không có gì nghiêm trọng. Nhưng càng ngày con lớn lên, cùng
với đó là những thông tin về học trò đánh nhau cứ tràn lan trên mạng; rồi từ
khi con vào lớp 10, sang môi trường mới rộng hơn, khó kiểm soát hơn,... khiến
tôi cứ lo lắng không yên. Đôi khi trên cơ quan, đang làm việc mà nghĩ đến con
lại giật mình. Mỗi khi đọc báo thấy có vụ đánh đấm nào là chột dạ, chẳng biết
con mình giờ này con yên ổn hay cũng bị bạn đấm đá túi bụi như thế... Thật, cho
con đi học mà mẹ lo như con vừa... ra trận vậy".
Cho con
đi học mà mẹ lo như con vừa... ra trận vậy. (Ảnh minh họa)
Cũng mang một nỗi lo như
chị Lan Anh, chị Nhật Hạnh (36 tuổi, Hà Nội) trải lòng: "Có con
hiền ngoan, ngày xưa thì vui mừng, yên lòng lắm. Nhưng bây giờ, cũng vì cái
"hiền ngoan" của con mà lòng mẹ nhiều khi thấp thỏm. Chỉ sợ con đi
học, đi chơi bên ngoài bị bạn bắt nạt thì khổ. Nói đâu xa, tôi có đứa cháu họ,
xinh xắn dễ thương lại học giỏi lắm. Thế mà bỗng một ngày đi học về trong tình
trạng bầm dập, tóc bị cắt nham nhở, tay chân xước xát vì bị nhóm bạn trong lớp
đánh hội đồng. Mà sốc nhất, con bé bị đánh chỉ vì 'tại nó quá ngoan, tại nó
đẹp, tại nó học giỏi,...' - Nhóm nữ sinh đã "khai" như vậy trong hội
đồng kỉ luật của nhà trường. Hóa ra với học trò thời nay, "ngoan, hiền,
giỏi, xinh đẹp" cũng là một cái tội. Bảo sao con đi học mà bố mẹ đứng ngồi
không yên...".
Không lo lắng con bị bắt
nạt như chị Lan Anh, chị Hạnh, nhưng chị Hoài (quận Đống Đa) lại buồn bã: "Thằng
con tôi từ bé đã hiếu động, nghịch ngợm và càng lớn lại càng "quá" ra
như vậy. Đã thế, dạo gần đây suốt ngày xem phim hành động, phim chưởng rồi ra
lớp đánh nhau với bạn, phá phách bàn ghế. Con đi học mà bố mẹ suốt ngày bị gọi
lên trường vì những "tội" mà nó gây ra. Cũng không ít lần vợ chồng
tôi phải tìm đến tận nhà "nạn nhân" xin lỗi và bồi thường, đau đầu
lắm...." - chị Hoài sụt sịt, đưa tay lau nước mắt.
Vậy đấy, bạo lực học đường
đã không phải "chuyện của người ta", những phụ huynh có con em đến
trường thực sự cảm thấy lo lắng, bất an, bởi rất có thể, "tai họa" sẽ
ập xuống con cái mình bất cứ lúc nào. Đáng buồn hơn, mối nguy hiểm lại đến từ
những người bạn chung trường chung lớp.
Cho con
học võ để... phòng thân
Con đi học, bố mẹ thì phải
đi làm mỗi ngày nên không thể luôn ở bên bảo vệ con được. Chính vì thế, nhiều
phụ huynh như chị Lan Anh, chị Hạnh,... ở trên đã... tức tốc đăng kí cho con
học võ để có thể phòng thân. Đó có lẽ là biện pháp khả thi nhất được các mẹ
nghĩ đến.
Học võ vừa giúp con rèn luyện sức khỏe, vừa có lợi cho tinh thần; hơn nữa trong trường hợp cần thiết, ít nhất con cũng bảo vệ được bản thân, tránh trường hợp bị đánh, bị bắt nạt,... Thời bây giờ, đâu phải cứ ngoan ngoãn, không "động chạm" gì đến ai là được yên thân đâu. Thế nên tôi luôn khuyến khích con ý thức tập luyện thật tốt, có như thế bố mẹ mới yên tâm phần nào". Đó là chia sẻ của chị Nhàn (giáo viên mầm non, q.Thủ Đức, Tp.HCM).
Cùng quan điểm đó, vợ chồng anh Thắng (Từ Liêm, Hà Nội) cũng cho biết: "Chúng tôi có 2 cô con gái, nhiều người bảo sao không cho chúng đi học múa, học đàn mà lại học võ làm gì. Nhưng học võ cũng có nhiều cái lợi, không chỉ nâng cao sức khỏe mà còn để phòng thân. Vợ chồng tôi luôn dặn dò con rằng, học võ không phải để thể hiện, để đánh nhau, gây gổ với người khác; nhưng có thể dùng nó trong trường hợp tự vệ...".
Không chỉ hướng con đi học võ phòng thân, nhiều bố mẹ còn rất chú trọng đến các lớp học rèn luyện kĩ năng sống như học giao tiếp, học cách ứng xử,... để con dạn dĩ hơn, biết cách xử lý tốt nhất trong những tình huống xấu. Đó cũng là một cách suy nghĩ, lựa chọn sáng suốt và hợp lý, có lợi cho cuộc sống của con em mãi về sau này. Tuy nhiên, ngoài việc "đẩy" con đến các lớp học cần thiết, phụ huynh cũng cần có những lưu ý sau để tránh nạn bạo lực học đường xảy ra:
- Luôn quan tâm đến con cái, thường xuyên hỏi han tình hình của con xem có gặp vướng mắc gì với các bạn, có cần giúp đỡ gì không?
- Để ý tới những dấu hiệu, những sự thay đổi bất thương của con vì nhiều em thường giấu diếm bố mẹ chuyện bị bạn đánh, bạn bắt nạt.
- Trò chuyện thân mật với con để chia sẻ những mối quan hệ của con với bạn bè, đưa ra lời khuyên cũng như cần nhìn nhận nhanh chóng tình hình của con nếu thấy có gì đó bất ổn.
- Không để con "vùi đầu" vào phim ảnh, truyện kiếm hiệp, game có xu hướng bạo lực; khuyến khích con tham gia các hoạt động ngoại khóa lành mạnh và bổ ích.
Ngoài ra, phụ huynh cũng cần kết hợp chặt chẽ với nhà trường để nắm được tình hình của con cái mình. Luôn quan tâm đến con, yêu thương và chia sẻ với con cũng là cách để giảm thiểu những bốc đồng, nông nổi trong suy nghĩ, hành động của con. Có như thế, nỗi lo về nạn bạo lực học đường mới dần rời xa tâm trí những người làm cha, làm mẹ.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét