Thầy tôi họ Kao, tên võ là Kao Tam Luân - là chưởng môn đời thứ 34 của môn phái Huyền Hoàng Tiểu Cửu Thiên.
Thầy tôi sống và hành nghề tại Florida, Kuala Lumpur, Hong Kong, Đài Bắc và gần đây là Hà Nội.
Tôi có duyên, may mắn được gặp thầy. Sư phụ năm nay 60 tuổi, trông hao hao như Lý Tiểu Long, lúc nào cũng tươi cười, ung dung tự tại. Kiến thức uyên thâm, luôn sẵn sàng đối thoại, thú vui trong thiên hạ gì cũng muốn biết, nhưng không bao giờ ham hố. Lần nào sang Việt Nam, rủ đi chơi, thầy đều từ chối, nói tao sang đây có mấy ngày, tập trung chỉ bảo cho bọn mày. Vậy mà đồ đệ Việt Nam có tật vui đâu chầu đấy, cả thèm chóng chán, chưa gặp thì háo hức, học được mấy hôm thì bỏ học. Tưởng thầy buồn lắm, tôi áy náy, tìm cách thanh minh thanh nga. Thầy cười xòa, đừng quan tâm, khi nào cần, người ta sẽ quay lại.
Chỉ đến sau này, khi đã gần gũi, mới biết cuộc đời thầy cũng lắm gian truân.
“Mày bảo sao tao không để con trai nối dõi. Có lẽ mày không hiểu có những đêm tao nằm ngắm trần nhà, tha phương, đơn độc. Tự hỏi, mình là ai? Cao thủ võ lâm? Sao vẫn vướng sự đời? Tiêu diêu khoáng đạt? Vậy ai sẽ trả tiền nhà, tiền học cho con? Tao rất muốn sang Việt Nam, mà cứ sợ mất thằng học trò đến đăng ký. Làm cật lực chưa biết bao giờ trả hết nợ. Hỏi sao tao dám để con theo. Tao không thể làm như các đệ tử khác là mở trường dạy khách thập phương, vì tao phải giữ chân truyền. Mày phải biết gánh nặng của Chưởng môn nhân. Môn phái thất truyền là đắc đại tội! Cả đời hành hiệp để kiếm được truyền nhân!”.
Nghe giọng buồn bã. Nhưng nhìn gương mặt thầy vẫn hết sức ôn nhu, thư thái. Cứ như nói chuyện người khác.
Thầy dùng một tờ tiền 100 nghìn chém gẫy cây đũa khi ngồi ăn phở; thầy dùng tay bắn anh bạn Tây nặng cả tạ văng ra xa, chúng tôi đều kinh ngạc lắm. Nhưng rồi thầy đều giải thích rất khoa học, đơn giản. Không có gì là thần kỳ, do tập luyện mà nên cả.
Những điều thầy dạy cho chúng tôi, chẳng những đúng trong việc tập luyện mà cũng có thể áp dụng trong rất nhiều tình huống của cuộc sống, tôi mới tóm lại thành: “Ba mục tiêu, bốn cảnh giới, năm khẩu quyết”.
Người ta học võ để làm gì? Có ba mục tiêu.
“For Fun” - Vui: Tức là học cho vui, tuyệt đại đa số các huynh đệ Việt Nam mà tôi biết xuất phát từ mục tiêu này.
"For Food" - Kiếm ăn: kiểu như “mãi võ bán thuốc” hoặc dạy dưỡng sinh kiếm sống.
"For Life" - Thoát hiểm: Xưa đến nay thì đều coi đây là đỉnh cao của võ thuật. Nếu cuộc sống bình yên quá, chẳng đánh nhau với ai thì tập luyện cho cơ thể cường tráng, tinh thần sảng khoái, cũng giúp ta tránh được nhiều hiểm ác của cuộc đời.
Bốn cảnh giới, giống như bốn cấp học mà người tập sẽ phải trải qua, lần lượt sẽ là:
Cấp một, khi mới học được những tinh hoa của võ thuật là: tay chân ngứa ngáy, muốn phô diễn, thấy điều bất bình là muốn cà khịa đánh nhau. Cấp hai, là bắt đầu hiểu được mình, kiềm chế, chỉ khi nào người đánh mình thì mình mới phản ứng lại. Cấp ba, là không muốn tranh chấp, sẵn sàng hạ mình. Người ta đánh thì mình xin lỗi rồi lánh đi.
Cấp cuối cùng, là có thể cảm nhận được những chỗ hung hiểm, tránh xa những chỗ phải đầu rơi máu chảy. Vượt qua mỗi cảnh giới đều phải mất dăm năm tập luyện. Suy cho cùng cũng là thoát hiểm.
Năm khẩu quyết là các phương thức khi thực hiện các động tác tập luyện.
Hãy cứ tưởng tượng là mình đứng giữa, vây quanh bởi chục kẻ thù, tay nào cũng võ nghệ cao cường, lăm lăm định đánh chết mình. Hãy nhớ lấy 5 chữ này: Định - Tĩnh - An - Lự - Đắc.
Định, tức là không chuyển động (giống trong từ "cố định" vậy). Đừng nói chân tay mà từng đường gân, thớ thịt, ánh mắt đều phải im phăng phắc. Muỗi cắn, ong đốt, rắn mổ cũng mặc.
Tĩnh: (trong chữ "bình tĩnh"). Tưởng cũng như bất động, có khác gì định đâu. Nhưng không phải, hãy hình dung dòng suối đang lặng lẽ chảy, giữa dòng là một hòn đá lớn. Hòn đá là Định còn dòng suối là Tĩnh. Tĩnh tức là mắt thấy, tai nghe, mũi ngửi, để thông tin bên ngoài tràn vào tất cả các giác quan của ta, rồi lại đi ra mà ta vẫn không phản ứng.
An: tức là không sợ (trong từ "trấn an", "an toàn"). Trong vòng hiểm nguy, chấp nhận cái chết nhẹ như lông hồng.
Lự: Tức là lo (trong từ “tư lự”). Tập trung toàn bộ tinh thần và trí lực vào chỉ một điểm duy nhất. Câu các cụ nói "một người lo bằng kho người làm" là chỗ này đây. Trong vòng vây quanh ta, trong địa hình hiểm trở quanh ta, đâu là điểm yếu nhất để ta có thể chọc thủng
Và cuối cùng là Đắc. Tức là khi đã xử đủ 4 bước trên, hãy hành động một cách tự nhiên (trong từ “đắc đạo”), đi về hướng mà cơ thể mách bảo, ra đòn mà chiêu thức của ta dẫn dắt, trả đòn lựa theo hành động của kẻ thù.
Nói đi nói lại, học võ vẫn là để thoát hiểm, bảo vệ sức khỏe, vui sống với đời.
Và nó không chỉ là triết lý của võ học. Trong giới doanh nhân, có hai vị “đại cao thủ” là Jim Collins và Jerry I. Porras, soạn một cuốn chân kinh với một triết lý tương tự có tên tiếng Anh là “Built to Last” - Tạm dịch là Xây dựng để Trường tồn, là sách gối đầu của rất nhiều thế hệ doanh nhân thành công.
Theo dõi những câu chuyện trà dư tửu hậu liên quan đến “võ học” những ngày này, tôi nghĩ nhiều người sẽ có cùng một băn khoăn: những Định, Tĩnh, An, Lự, Đắc kia có tồn tại trong những lời qua tiếng lại từ mọi phía? Bài học từ võ mang đến cho cuộc sống ở đây là gì?
Tôi không biết những người trong cuộc nghĩ gì, nhưng với kẻ ở ngoài quan sát, thì võ học ở đây hình như mới đạt được mục tiêu tối giản: For Fun.
Theo VnExpress
0 nhận xét:
Đăng nhận xét