Vào khoảng những năm 1970 trở về trước, khi một người học trò được thu nhận vào các lò Võ Ta ở miền Trung, bài đầu tiên bắt buộc phải tập có tên là "mạ". "Mạ" là bài tập gồm một số "bộ" độc lập, không liên kết thành bài liên hoàn và tập không có dụng cụ hỗ trợ.
Mỗi bộ gồm một số động tác được thực hành lặp đi lặp lại rất nhiều lần, có mục đích rèn luyện sự cứng chắc của từng bộ phận tay và chân. Thật ra, khi luyện tay, chân theo phương pháp này thì "do phối hợp với hít sâu, thở mạnh và có độ gồng khi phát đòn cộng với phát lực mà các bộ phận cơ thể như ngực, lưng, hông, bụng đều tăng dần sự cứng chắc và sức chịu đựng nội hàm qua thời gian rèn luyện". Chính vì vậy, có thể nói rằng "Mạ" là phương pháp tập nội lực đơn giản rất đặc trưng của võ Ta.
Nhìn vào động tác tập thì thấy rất đơn giản, tưởng chừng như bài tập chẳng mang lại tác dụng gì mấy, nhưng thật ra, kết quả rất khó lường. Kết quả đó có được là do lối tập ngày xưa tuân thủ khuôn phép chặc chẽ, dựa trên sự tự giác của người học trò và sự nghiêm khắc của ông thầy võ.
Ngày nay, học trò ham muốn tập được nhiều bài bản mà luyện thì quá ít. Học được đòn mới nào, thế mới nào thì thấy phấn chấn hẳn lên nhưng tập luyện chỉ một vài hôm thì sự phấn chấn đã tiêu tan, người tập đã thấy "đủ", thấy chán. Thầy chưa dạy bài mới thì cứ tập tành lấy lệ, chờ đợi "có mới, nới cũ".
Ngày xưa, học trò theo thầy học võ rất tin vào thầy và tuyệt đối nghe theo lời chỉ dạy của thầy. Thầy dạy đòn nào, thế nào thì cứ theo đòn ấy, thế ấy mà tập luyện cho đến khi mồ hôi vả ra như tắm, tay chân cứng rắn, toàn thân săn chắc. Thầy dạy xong một đòn, một thế, khi phân tích, giảng giải bài dạy đã kỹ càng thì bỏ đi nơi khác, để học trò tự tập luyện một mình. Vậy mà, người học trò cứ miệt mài, đôi, ba giờ đồng hồ cũng chưa nghỉ tập. Học trò tập nghiêm túc, chặc chẽ như vậy, từ ngày nọ sang ngày kia, tháng này sang tháng nọ, khi nào thầy thấy "được" và dạy sang động tác khác thì học trò mới tập luyện sang bài mới.
Với cách tập ngày xưa như thế, mặc dù khi luyện bộ phận nào thì người học trò chỉ tập trung tất cả sự chú ý vào bộ phận ấy nhưng lực vẫn vận hành bên trong tất cả các gân cốt, dẫn dắt tất cả cơ bắp cương nhu, tuần hoàn liên tục theo chu kỳ "căng cứng - thả lỏng - căn cứng - thả lỏng"... mà toàn thân như được "mạ" một lớp kim loại.
Môn đồ KỲ SƠN VÕ trước hội quán Phước Kiến (Hội An)
Bộ Gồng đẩy: Đứng thế "Trung bình tấn" thấp (còn gọi là "kỵ mã tấn"). Hai bàn tay nắm lại kéo sát vào hai bên hông (lòng bàn tay ngửa lên).
Hai nắm tay thả lỏng, mở ra và xoay cho hai lòng bàn tay hướng tới trước đồng thời hít không khí vào qua mũi, đi sâu xuống huyệt "đan điền" ở bụng dưới.
Ngậm kín miệng, nín hơi và vừa gồng cho lực tụ vào hai cánh tay vừa đẩy tới phía trước ngang huyệt "nhũ căn" (ở hai bên vũ). Khi đẩy hết tầm tay thì mở hé môi, thở mạnh không khí ra qua miệng đồng thời thả lỏng toàn thân.
Hai nắm tay vẫn thả lỏng, xoay cho hai lòng bàn tay ngửa lên rồi nắm lại đồng thời ngậm kín miệng, hít không khí vào qua mũi, đi sâu xuống huyệt "đan điền" ở bụng dưới.
Nín hơi, siết chặc nắm tay và vừa gồng cho lực tụ vào hai cánh tay vừa kéo hai nắm tay về sát hai bên hông. Khi hai nắm tay chạm vào sát hai bên hông thì mở hé môi, thở mạnh không khí ra qua miệng đồng thời thả lỏng toàn thân.
Tùy theo thể trạng và thời gian mới tập hoặc đã tập lâu của từng người mà thực hiện từ mười lần đến hai mươi lần đẩy và kéo.
Bộ Đấm: Đứng thế "Trung bình tấn" thấp (còn gọi là "kỵ mã tấn"). Hai bàn tay nắm lại kéo sát vào hai bên hông (lòng bàn tay ngửa lên)
Bàn tay trái mở ra đưa xuống trước gối trái (lòng bàn tay hướng vào gối trái) rồi khoác một vòng tròn rộng ngược chiều kim đồng hồ và dừng lại bên trái, chỏ trái ngang ngực
Bàn tay trái nắm lại, giật mạnh về sát hông trái (lòng bàn tay ngửa lên) đồng thời nắm tay phải vừa đấm mạnh tới hướng trước vừa úp lòng bàn tay xuống.
Khi tay trái thực hiện phần a thì cơ bắp thả lỏng và hít không khí vào qua mũi, đi sâu xuống huyệt "đan điền" ở bụng dưới. Khi thực hiện phần b thì gồng lên để tụ lực ở đầu nắm đấm và mở hé môi, thở mạnh không khí ra qua miệng.
Bàn tay phải mở ra đưa xuống trước gối phải (lòng bàn tay hướng vào gối phải) rồi khoác một vòng tròn rộng thuận chiều kim đồng hồ và dừng lại bên phải, chỏ phải ngang ngực.
Bàn tay phải nắm lại, giật mạnh về sát hông phải (lòng bàn tay ngửa lên) đồng thời nắm tay trái vừa đấm mạnh tới hướng trước vừa úp lòng bàn tay xuống.
Khi tay phải thực hiện phần c thì cơ bắp thả lờng và hít không khí vào qua mũi, đi sâu xuống huyệt "đan điền" ở bụng dưới. Khi thực hiện phần d thì gồng lên để tụ lực ở đầu nắm đấm và mở hé môi, thở mạnh không khí ra qua miệng.
Tập càng lúc càng mạnh và nhanh dần, từ vài mươi lần đến hằng trăm lần mỗi tay, tùy theo thể trạng và thời gian mới tập hoặc đã tập lâu của từng người.
Bộ Chém: Đứng thế "Trung bình tấn" thấp (còn gọi là "kỵ mã tấn"). Hai bàn tay nắm lại kéo sát vào hai bên hông (lòng bàn tay ngửa lên)
Bàn tay trái mở ra đưa xuống trước gối trái (lòng bàn tay hướng vào gối trái)
Bàn tay trái khoác một vòng tròn rộng ngược chiều kim đồng hồ rồi nắm lại về trước bụng, nằm ngang (lòng bàn tay ngửa lên) đồng thời khi bàn tay trái khoác qua khỏi mặt về bên trái thì nắm tay phải mở ra và khoác theo vòng tròn ngược chiều kim đồng hồ rồi dừng lại ngang ngực bên trái (bàn tay úp xuống).
Kéo mạnh nắm tay trái về sát hông trái đồng thời chém mạnh cạnh bàn tay phải ngang ngực về bên phải.
Khi thực hiện phần a, chuyển sang phần b thì thả lỏng cơ bắp và hít không khí vào qua mũi, đi sâu xuống huyệt "đan điền" ở bụng dưới. Khi thực hiện phần c thì gồng lên để tụ lực ở cạnh bàn tay phải và mở hé môi, thở mạnh không khí ra qua miệng.
Bàn tay phải mở ra đưa xuống trước gối phải (lòng bàn tay hướng vào gối phải)
Bàn tay phải khoác một vòng tròn rộng thuận chiều kim đồng hồ rồi nắm lại về trước bụng, nằm ngang (lòng bàn tay ngửa lên) đồng thời khi bàn tay phải khoác qua khỏi mặt về bên phải thì nắm tay trái mở ra và khoác theo vòng tròn thuận chiều kim đồng hồ rồi dừng lại ngang ngực bên phải (bàn tay úp xuống).
Kéo mạnh nắm tay phải về sát hông phải đồng thời chém mạnh cạnh bàn tay trái ngang ngực về bên trái.
Khi thực hiện phần d, chuyển sang phần e thì thr lỏng cơ bắp và hít không khí vào qua mũi, đi sâu xuống huyệt "đan điền" ở bụng dưới. Khi thực hiện phần f thì gồng lên để tụ lực ở cạnh bàn tay trái và mở hé môi, thở mạnh không khí ra qua miệng.
Tập càng lúc càng mạnh và nhanh dần, từ vài mươi lần đến hằng trăm lần mỗi tay, tùy theo thể trạng và thời gian mới tập hoặc đã tập lâu của từng người. Luyện đến khi mỗi lần chém cạnh bàn tay, nghe tiếng "phựt" phát ra từ sự vận chuyển gân cốt, cơ bắp. Tập càng kiên trì, lâu ngày, tiếng phát ra càng lớn.
Bộ Giựt: Đứng thế "Trung bình tấn" thấp (còn gọi là "kỵ mã tấn"). Hai bàn tay nắm lại kéo sát vào hai bên hông (lòng bàn tay ngửa lên)
Bàn tay trái mở ra đưa xuống trước gối trái (lòng bàn tay hướng vào gối trái)
Bàn tay trái khoác một vòng tròn rộng ngược chiều kim đồng hồ rồi nắm lại về trước bụng, nằm ngang (lòng bàn tay ngửa lên) đồng thời khi bàn tay trái khoác qua khỏi mặt về bên trái thì nắm tay phải mở ra và khoác theo vòng tròn ngược chiều kim đồng hồ rồi dừng lại ngang ngực bên trái (bàn tay úp xuống).
Kéo mạnh nắm tay trái về sát hông trái đồng thời giụt mạnh chỏ phải ngang ngực về bên phải.
Khi thực hiện phần a, chuyển sang phần b thì thả lỏng cơ bắp và hít không khí vào qua mũi, đi sâu xuống huyệt "đan điền" ở bụng dưới. Khi thực hiện phần c thì gồng lên để tụ lực ở chỏ phải và mở hé môi, thở mạnh không khí ra qua miệng.
Bàn tay phải mở ra đưa xuống trước gối phải (lòng bàn tay hướng vào gối phải)
Bàn tay phải khoác một vòng tròn rộng thuận chiều kim đồng hồ rồi nắm lại về trước bụng, nằm ngang (lòng bàn tay ngửa lên) đồng thời khi bàn tay phải khoác qua khỏi mặt về bên phải thì nắm tay trái mở ra và khoác theo vòng tròn thuận chiều kim đồng hồ rồi dừng lại ngang ngực bên phải (bàn tay úp xuống).
Kéo mạnh nắm tay phải về sát hông phải đồng thời giựt mạnh chỏ trái ngang ngực về bên trái.
Khi thực hiện phần d, chuyển sang phần e thì thả lỏng cơ bắp và hít không khí vào qua mũi, đi sâu xuống huyệt "đan điền" ở bụng dưới. Khi thực hiện phần f thì gồng lên để tụ lực ở chỏ trái và mở hé môi, thở mạnh không khí ra qua miệng.
Tập càng lúc càng mạnh và nhanh dần, từ vài mươi lần đến hằng trăm lần mỗi tay, tùy theo thể trạng và thời gian mới tập hoặc đã tập lâu của từng người. Luyện đến khi mỗi lần giựt chỏ, nghe tiếng "phựt" phát ra từ sự vận chuyển gân cốt, cơ bắp. Tập càng kiên trì, lâu ngày, tiếng phát ra càng lớn.
Bộ Chận: Đứng thế "Trung bình tấn" thấp (còn gọi là "kỵ mã tấn"). Hai bàn tay nắm lại kéo sát vào hai bên hông (lòng bàn tay ngửa lên)
Hai bàn tay mở ra, đưa xéo lên trước ngực rồi mở sang hai bên (hai chỏ ngang vai)
Hai bàn tay nắm lại, đấm xéo xuống trước bụng trong khi thân trên vẫn giữ thẳng đứng.
Khi thực hiện phần a, thả lỏng cơ bắp và hít không khí vào qua mũi, đi sâu xuống huyệt "đan điền" ở bụng dưới. Khi thực hiện phần b thì gồng lên để tụ lực ở hai cổ tay và mở hé môi, thở mạnh không khí ra qua miệng.
Bộ Song quyền: Đứng thế "Trung bình tấn" thấp (còn gọi là "kỵ mã tấn"). Hai bàn tay nắm lại kéo sát vào hai bên hông (lòng bàn tay ngửa lên)
Hai bàn tay mở ra, cùng khoác vòng tròn thuận chiều kim đồng hồ rồi dừng lại bên phải ngang vai.
Hai bàn tay nắm lại, hạ xuống bên phải rồi gập chân trái, thẳng chân phải (đinh tấn trái) đồng thời hai nắm tay đánh móc lên bên trái và dừng lại ở ngang vai (góc ở hai khuỷu tay là góc tù).
Hai bàn tay mở ra, cùng khoác vòng tròn ngược chiều kim đồng hồ rồi dừng lại bên trái ngang vai đồng thời hai chân chuyển về kỵ mã tấn (trung bình tấn thấp).
Hai bàn tay nắm lại, hạ xuống bên trái rồi gập chân phải, thẳng chân trái (đinh tấn phải) đồng thời hai nắm tay đánh móc lên bên phải và dừng lại ở ngang vai (góc ở hai khuỷu tay là góc tù).
Khi thực hiện phần a và phần c, thả lỏng cơ bắp và hít không khí vào qua mũi, đi sâu xuống huyệt "đan điền" ở bụng dưới. Khi thực hiện phần b và phần d thì gồng lên để tụ lực ở khớp xương thứ 2 của các ngón tay và mở hé môi, thở mạnh không khí ra qua miệng.
Bộ Ấn: Đứng thế "Trung bình tấn" thấp (còn gọi là "kỵ mã tấn"). Hai bàn tay nắm lại kéo sát vào hai bên hông (lòng bàn tay ngửa lên)
Hai bàn tay mở ra và đưa tới trước bụng, chéo nhau (tay trái ở trên). Hai tay khoác bông Thuận nghịch trái (bàn tay trái đi lên, bàn tay phải đi xuống, hai tay khoác hai vòng tròn lớn nghịch chiều kim đồng hồ và so le nhau), dừng lại khi tay phải ở trên cao, tay trái ở dưới thấp
Gập chân trái, thẳng chân phải (đinh tấn trái) đồng thời bàn tay trái lên trước vai phải và bàn tay phải chận mạnh xuống trước bụng.
Hai tay khoác bông Thuận nghịch phải (bàn tay phải đi lên, bàn tay trái đi xuống, hai tay khoác hai vòng tròn lớn thuận chiều kim đồng hồ và so le nhau), dừng lại khi tay trái ở trên cao, tay phải ở dưới thấp
Gập chân phải, thẳng chân trái (đinh tấn phải) đồng thời bàn tay phải lên trước vai trái và bàn tay trái chận mạnh xuống trước bụng.
Khi thực hiện phần a và phần c, thả lỏng cơ bắp và hít không khí vào qua mũi, đi sâu xuống huyệt "đan điền" ở bụng dưới. Khi thực hiện phần b và phần d thì gồng lên để tụ lực ở gốc bàn tay chận xuống (chưởng căn) và mở hé môi, thở mạnh không khí ra qua miệng.
Ngoài 7 bộ mạ trên, các lò võ còn dạy cho học trò các bộ "Khắc tam tinh" để luyện sức chịu đựng của cẳng tay, cẳng chân.
Phương pháp luyện nội lực cổ truyền của Võ Ta như trình bày ở trên, thấy thì đơn giản nhưng tập cho đúng thì không đơn giản và kết quả mang lại càng không đơn giản chút nào.
Đặc điểm của phương pháp tập trên là có thể tập bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu nên rất thuận tiện cho người tập. Và chính vì vậy mà có rất nhiều lão võ sư đã quá tuổi "thất thập cổ lai hy" vẫn tập "mạ".
Điều rất lý thú nữa là các cụ lại vừa đi vừa mạ, vừa nói chuyện với học trò vừa mạ chứ không cần xuống tấn, tập tại chỗ. Tại sao vậy? -Ở tuổi tác đó, với gân cốt đã được trui rèn cỡ đó, thì "mạ" đối với các cụ trở thành một bài tập dưỡng sinh phối hợp với xoa nóng vùng "cự khuyết - đan điền" để duy trì sự rắn rỏi của gân cốt và phong độ.
Có một điều cũng cần lưu ý rằng "Mạ" không phải là "Căn bản công".
Căn bản công là những bài tập căn bản để giúp người mới học võ rèn từng đòn một cho đúng kỹ thuật.
Còn "Mạ" là những bài tập đặc thù để giúp người luyện võ rèn độ cứng, chắc của tay, chân và toàn thân.
Và cuối cùng, xin nói với các bạn trẻ rằng: Các bộ mạ đều đòi hỏi sự phối hợp chặc chẽ giữa hình, ý, khí, lực trong khi tập luyện và đối với bộ "Gồng đẩy" còn có phần ém khí (nín thở) nên nếu tập sai sẽ xảy ra tổn hại cho cơ thể. Đây chỉ là một bài báo giới thiệu một phương pháp tập cổ truyền của Võ Ta nên khó căn cứ để tập. Nếu muốn tập, các bạn nên nhờ những lão võ sư có quá trình tập luyện Võ Ta thuần túy nhiều năm hướng dẫn thì tốt hơn ./.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét