“Tập võ chi Đạo có thể được cường thân, mẫn trí. Một người tập võ thì được cường thân, một nhà tập võ thì được cường tộc. Đường lối của võ thuật trước tiên là phải trọng Võ Đức, muốn có Võ Đức phải hiểu rõ Công Lý, muốn hiểu rõ Công Lý thì phải có Học Vấn”.
Một nhà văn phương Tây đã viết: “Thiên tài là một sự kiên nhẫn lâu dài”. Kiên nhẫn là một trong những đức tính cao quý của người luyện võ. Việc luyện tập võ thuật là một cuộc trường chinh để tự thắng chính mình, đưa con người đến sự giản dị, điềm đạm, khiêm tốn, đạt đến Chân-Thiện-Mỹ trong cuộc sống. Chỉ có những ai không đi trọn con đường mới phải tự quảng cáo, khoe khoang, biện bạch.
Thiền sư người Nhật Bản tên là Muju (Vô Trú) viết một tập sách nhan đề Shaseki-shu (Sa thạch tập), Đỗ Đình Đồng dịch dưới tên “Góp nhặt cát đá”, nhà xuất bản Lá Bối - Saigon xuất bản năm 1971. Trong tập sách có chuyện “Mùi vị của lưỡi kiếm Banzo”:
Matajuro Yagyu là con trai của kiếm sĩ Nhật lừng danh. Cha anh cho rằng tài nghệ của con ông quá tầm thường khó mong chức phận làm thầy, nên ông đã từ chối dạy anh. Vì thế Matajuro đến núi Futara và tìm được một kiếm sĩ lừng danh khác ở đó là Banzo. Banzo lại xác định lời phán quyết của cha Matajuro Yagyu.
Banzo nói: “Anh muốn ta dạy anh kiếm thuật phải không? Anh không đủ điều kiện để học kiếm đâu.”
Matajuro một mực hỏi tiếp: “Nhưng nếu con luyện tập chuyên cần thì con phải mất bao nhiêu năm để trở thành một kiếm sĩ?”
Banzo đáp: “Cả quãng đời còn lại của anh.”
Matajuro giải thích: “Con không thể chờ lâu đến thế. Con sẽ vượt qua bất cứ khó nhọc nào, nếu thầy dạy con. Nếu con làm một người hiến mình giúp việc cho thầy thì con phải mất bao lâu?”
Banzo hơi dễ dãi: “Ồ, có lẽ mười năm.”
Matajuro hỏi tiếp: “Cha con đã già rồi và con sớm phải săn sóc ông. Nếu con luyện tập chuyên cần hơn nữa thì phải mất bao lâu?”
Banzo đáp: “Ồ, có lẽ ba mươi năm.”
Matajuro hỏi: “Sao thế? Trước thầy bảo mười năm bây giờ ba mươi năm. Con sẽ vượt qua bất cứ cực nhọc nào để nắm vững kiếm thuật trong một thời gian ngắn nhất.”
Banzo đáp: “Được, với điều kiện anh phải ở lại đây với ta bảy năm. Một người quá nóng nảy muốn đạt kết quả như anh, ít khi học nhanh được.”
Sau cùng, Matajuro hiểu rằng mình đang bị trách mắng vì không có tính kiên nhẫn. Anh ta kêu lên: “Hay lắm, con đồng ý.”
Matajuro không bao giờ nghe nói một lời nào về kiếm thuật và cũng không bao giờ đụng tới thanh kiếm. Matajuro nấu ăn cho thầy, rửa chén bát, dọn dẹp giường ngủ, quét sân, quét nhà, chăm sóc vườn, nhất nhất không nói một lời nào về kiếm thuật.
Sau đó, ngày đêm Matajuro phải phòng vệ những cú đánh bất ngờ như thế. Bất cứ ngày nào, không một phút giây nào Matajuro không suy nghĩ đến ý vị của lưỡi kiếm Banzo. Matajuro học rất nhanh, anh mang lại cho thầy những nụ cười vui vẻ. Matazuro trở thành kiếm sĩ vĩ đại nhất nước.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét