Võ Thuật HOÀNG GIA là sự kết tinh từ bộ môn võ cổ truyền của Việt Nam kết hợp với các tinh hoa võ học Quốc Tế - Giúp con người đạt đến Chân - Thiện - Mỹ trong võ học. Liên Hệ Hotline Để Được Hỗ Trợ:0902641618

Thứ Tư, 23 tháng 8, 2017

VÕ CỔ TRUYỀN - NÉT TINH HOA VĂN HÓA VIỆT

Chẳng ai biết đích xác võ cổ truyền Việt Nam được hình thành vào khoảng thời gian nào, chỉ biết rằng nền võ học Việt Nam có mặt ngay từ những biến cố đầu tiên của lịch sử dân tộc: đó là việc bảo vệ dân làng khỏi thú dữ, bảo vệ đất nước khỏi ngoại xâm. Nền võ học Việt Nam được khởi dựng trong gian nguy, hoàn thiện qua thử thách, võ thuật cổ truyền trở thành một phần oanh liệt của lịch sử, một chứng nhân cho tinh thần quả cảm, sáng tạo của dân tộc ta. Tên gọi “cổ truyền” không chỉ là một mỹ từ mà là một yếu tố mang tính lịch sử, có chức năng kết nối quá khứ – hiện tại và là động lực cho tương lai. Việc hiện nay có nhiều phái võ khoác lên mình mảnh áo “cổ truyền” trong khi mới hình thành được vài ba chục năm, chưa có nhiều đóng góp cho dân tộc đã tự xem mình là “quốc túy”, “quốc sản”, thực tế đó không phải là ít và đáng buồn thay vì những người học võ thực thụ chắc chắn không sống vì lợi, không làm vì danh.
Dân tộc Việt Nam từ xưa đến nay vốn là một dân tộc yêu chuộng hòa bình, luôn lấy hòa khí, sự giao hảo làm trọng. Tuy vậy, trong suốt 4 nghìn năm lịch sử ấy không có nhiều thời gian dân ta được sống an bình, thời nào, triều nào dân ta cũng phải đối chọi với những thế lực ngoại xâm hùng mạnh. Hết quân phương Bắc, đến quân Nguyên – Mông, rồi quân Chiêm Thành, Xiêm La đều nuôi dã tâm thâu tóm quốc gia Đại Việt. Với một quốc gia đất không rộng, người không đông như Đại Việt xưa việc chống chọi ngoại xâm là  hết sức khó khăn và gian khổ. Song, với tài thao lược, quân và dân ta luôn giành được những chiến thắng lẫy lừng cho dù kẻ thù hùng mạnh đến đâu. Lịch sử Việt Nam được gây dựng qua những cuộc chiến tranh chống ngoại xâm và không triều đại nào lại không có những võ tướng thao lược như: Ngô Quyền với trận cọc gỗ trên sông Bạch Đằng đánh tan đội quân Nam Hán (938), Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân (968), Lý Thường Kiệt với trận phản công trên sông Như Nguyệt tiêu diệt 30 vạn quân Tống (1077), đội quân “bất bại” Nguyên – Mông 3 lần tiến quân vào Đại Việt là cả 3 lần phải ôm hận – đó là công lao của toàn dân Đại Việt ta nhưng không thể không nhắc tới bậc võ tướng thiên tài Trần Quốc Tuấn…
Lịch sử nền võ học Việt Nam từng bước được hình thành, cùng sát cánh với những bước thăng trầm của lịch sử dân tộc. Qua thực tiễn trận mạc giao tranh, tri thức võ học cũng dần được hội tụ dưới nhãn quan của những người võ tướng. Hưng Đạo Đại Vương là tác giả của 2 tác phẩm binh thư nổi tiếng: Vạn Kiếp Tông bí truyền và Binh thư yếu lược. Đây là hai cuốn binh pháp đầu tiên của dân tộc ta, một cuốn chuyên dùng cho các võ tướng tham khảo, 1 cuốn lại dùng cho rộng rãi quân binh. Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư đã từng đề tựa rằng: “ Sách ấy dùng đã ba đời trăm đánh trăm thắng, cho nên đương thời có thể làm rúng động quân Hung nô (Mông-cổ) ở phía bắc, làm cho nước Lâm Ấp ở phía tây phải khiếp uy, nên sách này được biên chép làm của gia truyền không được phép tiết lộ ra ngoài..”. Có thể nói nền võ học Việt Nam được khởi nguồn từ trong chiến tranh giữ nước, qua cuộc chiến bảo vệ giang sơn từng bước định hình và phát triển tầm vóc lớn lao của mình. Cũng chính vì nguyên do này mà hầu hết các nhà nghiên cứu đều thống nhất quan điểm cho rằng: nguồn gốc của võ thuật cổ truyền Việt Nam được bắt nguồn từ võ trận, nó được hình thành từ rất sớm nhưng phải đến thời Đại Việt mới được hoàn thiện về mặt học thuyết (bằng 2 tác phẩm binh thư của Trần Quốc Tuấn) và được chứng minh một cách hùng hồn qua những chiến thắng oanh liệt trên thực tiễn giao tranh.
Từ thế kỷ XV đến XIX, võ thuật Việt Nam tồn tại ở hai dạng: sinh hoạt quần chúng và biên chế triều đình. Ở triều đình, do luôn phải đối mặt với nguy cơ ngoại xâm, phiến loạn, các cuộc nổi dậy của nông dân cho nên hầu hết các vương triều đều chú ý đến việc xây dựng quân đội, rèn luyện võ thuật. Còn trong quần chúng, nền võ học vẫn luôn được duy trì. Các lò võ, các lễ hội truyền thống vừa nhằm đáp ứng nhu cầu giải trí của nhân dân vừa thể hiện tinh thần thượng võ của dân tộc. Mỗi lò võ đều có một bí kíp và bản sắc riêng, không lò nào, môn phái nào hoàn toàn giống nhau, sự cạnh tranh lành mạnh giữa các lò khiến nền võ học ViệtNamcàng thêm đa dạng và phát triển.
Từ cuối thể kỷ XIX đến năm 1979, nền võ học dân tộc ViệtNamphải trải qua nhiều điều kiện khó khăn và thử thách. Hầu hết các nhà nước nắm quyền đều cấm võ thuật cổ truyền hoạt động vì lo sợ việc dạy võ sẽ tạo nên nguy cơ bất ổn về mặt chính trị. Cũng đầu thế kỷ XX, nhiều môn võ ngoại như: Boxing, Thiếu Lâm, Judo…bước đầu xâm nhập vào ViệtNam. Nền võ học cổ truyền tiếp tục đứng trước những khó khăn và thử thách mới. Tuy nhiên, tinh thần thượng võ của dân tộc Việt chưa bao giờ suy giảm, võ học cổ truyền ViệtNamđã và đang đồng hành cùng những trái tim Việt đi khắp năm châu, có mặt ở những vùng đất xa xôi nhất của thế giới. Đó là một thành quả đáng tự hào và cần được ghi nhận.
2.Võ cổ truyền – Nhân sinh quan của người Việt.
Nền võ học cổ truyền ViệtNamđược sinh ra và gắn liền với trận mạc. Song, không phải vì vậy mà võ cổ truyền chỉ thuần túy là kinh nghiệm bày binh, bố trận, các chiêu thức, đòn, thế mà đó là cả một nền học thuật sâu rộng và mang đậm tính triết lý. Nếu như với võ học Trung Hoa chúng ta thường bắt gặp triết lý âm –dương, ngũ hành, hư chiêu – hữu chiêu, một triết lý hết sức cao xa mà người học đôi khi dành cả đời rèn luyện cũng không “ngộ” ra được chân lý thì với võ học cổ truyền thuần Việt lại là một nhân sinh quan hết sức sinh động và thực tế, nhân sinh quan đó là cách nhìn về cuộc đời, về võ học, về người dạy võ và học võ.
Người Việt ta xưa nay quan niệm rằng: võ học là một trong những con đường để mỗi người có thể hướng tới tính chân – thiện – mỹ. Võ học giúp cho chúng ta có được một thân thể cường tráng, một sức khỏe dẻo dai, một tinh thần minh mẫn và đặc biệt là một bản lĩnh vững vàng không ngại khó khăn, gian khổ. Võ học còn nhắc nhở chúng ta nhớ đến cội nguồn, nhớ đến bản sắc văn hóa của dân tộc, nhớ đến công sức, máu xương mà cha ông ta đã dày công gây dựng lên. Nền võ học dân tộc Việt Nam còn chứa đựng trong nó cả 4 nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, và đó là 1 kho nghệ thuật dụng binh hết sức biến hóa và tài tình, là kết tinh của trí tuệ và bản lĩnh Việt.
Các môn võ truyền thống, thuần Việt vốn là những môn võ gốc, chỉ truyền cho con cháu ít khi truyền cho người ngoài. Tuy vậy việc truyền cho ai, truyền như thế nào không phải là vấn đề đơn giản. Võ Việt chỉ cốt tinh, không cốt đông cũng chính vì nguyên do này mà đã có một quãng thời gian dài những bậc võ sư thường không nhận đệ tử, thích mai danh ẩn tích – sống bình lặng giữa đời. Thông thường họ dạy cho con cháu những chiêu thức cơ bản để phòng thân, chỉ khi nào họ tìm được cho mình những đệ tử “chân truyền” ưng ý nhất họ mới ra sức truyền đạt hết những chiêu thức võ học của môn phái. Người võ sư giống như những người giữ lửa, mang nặng trong mình những trọng trách to lớn của cha ông. Họ không truyền dạy võ thuật với bất cứ lợi ích vật chất nào mà xem đó là thiên chức của người kết nối những dòng chảy lịch sử dân tộc.
Nhân sinh quan của những người theo nghiệp võ thật thanh khiết và đáng quý: võ học là đạo học, con đường võ học là con đường đi đến chân lý. Trên con đường dài và đầy chông gai đó người học võ phải vượt qua không biết bao nhiêu thử thách và vượt qua chính mình là thử thách lớn nhất, “qua đó con người có thể rèn luyện được nhiều đức tính quý báu như bền bỉ, chịu đựng, nhanh nhẹn, mưu trí, gan dạ và nhất là ở đỉnh cao người học võ thì khiêm tốn, điềm đạm, giản dị, giàu lòng vị tha và nhân ái” .
Nhân sinh quan của người học võ là triết lý động, linh hoạt, uyển chuyển và luôn song hành cùng với những chuẩn mực của xã hội: đó là đạo hiếu làm con, đạo nghĩa làm trò, đạo tín làm bạn và đạo của những người học võ. Người học võ chân chính không bị lu mờ trước vật chất, không chịu khuất phục trước quyền uy, thấy bất công thì không chịu khoanh tay, gặp hiểm nguy thì không màng đến tính mạng. Họ không cần trả ơn, cũng như không làm để thần Phật chứng nhận, họ chỉ hành hiệp sao cho xứng với truyền thống và bản lĩnh của các lớp tiền bối, cha ông.
3.Võ cổ truyền – Nét tinh hoa cần được gìn giữ và phát triển.
Như đã nói ở trên, võ cổ truyền là sợi chỉ đỏ xuyên suốt dòng chảy lịch sử bốn nghìn năm của dân tộc ta. Trong suốt quãng thời gian đó võ cổ truyền đã cùng với cha ông ta làm nên những chiến thắng oanh liệt trước những kẻ thù hùng mạnh, góp phần giữ gìn độc lập – hòa bình cho nhân dân. Võ cổ truyền ViệtNamlà nét văn hóa độc đáo, thuần khiết của dân tộc Việt, nó được hun đúc và trưởng thành trong những hoàn cảnh khó khăn nhất. Và, qua những lần đó võ Việt, trí tuệ Việt luôn được vinh danh bằng những chiến thắng.
Võ cổ truyền ViệtNamcòn là một minh chứng sinh động thể hiện tinh thần thượng võ của dân tộc Việt. Tinh thần đó luôn được cha ông ta gìn giữ và phát huy, khi đất nước lâm nguy tinh thần thượng võ lại bùng cháy hòa quyện cùng lòng yêu nước, họ sẵn sàng hy sinh cho độc lập cho tổ quốc, tự do cho đồng bào. Trong thời bình, võ thuật cổ truyền lại trở thành 1 phương thức rèn luyện cơ thể, rèn luyện trí tuệ rất hữu hiệu. Và, nó còn là một cách để nhớ tới cội nguồn, nhớ tới công ơn các bậc tiền bối.
Ngày nay, Võ cổ truyền Việt Namđang rơi vào một cuộc “khủng hoảng thừa” đặc biệt trầm trọng. Liên đoàn võ thuật cổ truyền Việt Namra đời vào năm 1991, bên cạnh những dòng võ gốc, chính thống cũng có không ít những dòng phái lai căng, một thực trạng “vàng – thau lẫn lộn” đã và đang xen kẽ trong nền võ học dân tộc.
Ở hải ngoại, võ học truyền thống vẫn được những người con đất Việt gìn giữ và phát huy nhiều nhất là tại Pháp, Nga, Đông Âu, Mỹ, Đức…Tại Pháp có tới 19 môn phái võ cổ truyền đang hoạt động như phái Cửu Long, Phái Nam Hổ Quyền, phái Trung Hòa…Tại Nga, Đông Âu thì phái Nhất Nam đang có được một vị thế vững chắc và một lượng môn sinh đông đảo. Tại Mỹ, có Võ đường Tấn Nhật Bích ởBoston. Ở Nam California có Trung Tâm võ thuật cổ truyền ViệtNam, võ đường Tiên Long Võ Đạo …
Đặc biệt, môn phái được cho là cội nguồn, là tinh hoa của võ truyền thống Việt Nam là Võ trận Đại Việt tưởng chừng đã bị thất truyền, nay lại được võ sư Nguyễn Minh Tuấn gìn giữ và khởi dựng. Nguyễn Minh Tuấn là người đầu tiên đứng ra thành lập môn phái Võ trận Đại Việt, những miếng võ cổ truyền của ngàn xưa được vị võ sư trẻ biên soạn, hệ thống một cách bài bản nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các môn sinh luyện tập.
Ở Việt Nam, ắt hẳn chúng ta không thể quên đến hai cha con võ sư Hồ Văn Lành và Hồ Văn Tường. Họ nổi tiếng không chỉ vì giỏi võ mà điều quan trọng hơn họ là những người đã giành trọn cả cuộc đời để giữ gìn và truyền dạy dòng võ cổ truyền dân tộc. Võ sư Hồ Tường đã mở lớp võ miễn phí cho học sinh, sinh viên gần 15 năm nay. Và, ông vẫn miệt mài thực hiện công việc ý nghĩa của mình dù sức khỏe và tuổi tác gần như không cho phép….
Võ cổ truyền – tinh thần thượng võ của dân tộc ta vẫn mãi là một nét đẹp trong dòng chảy của nền văn hóa ViệtNam. Song trước hết chúng ta đang rất cần một tinh thần thượng võ cao cả, một cách tiếp cận võ học trong sáng không vụ lợi. Và, chắc chắn không thể thiếu được sự đồng thuận, sự ủng hộ của cả cộng đồng. Chúng ta có quyền tin tưởng vào một tương lai tươi sáng của võ học cổ truyền bởi vì người dân Việt dù ở phương trời nào cũng luôn hướng về tổ quốc, hướng về sự giữ gìn và phát huy nền văn hóa dân tộc trong đó có nền Võ thuật cổ truyền Việt Nam…/…

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Liên Hệ [x]
hotline090 264 1618