Hầu hết các trường phái võ thuật Đông – Tây đều khởi nguyên rất xa xưa, có lịch sử nghìn năm. Lý luận, kỹ thuật đã định hình cho lứa hậu sinh về sau đã thay đổi rất nhiều, trong đó có thể do cách nghĩ, bối cảnh kinh tế – xã hội, khoa học kỹ thuật…
Nhưng đặc biệt nhất chính là thành tựu to lớn trong các ngành Khoa học – kỹ thuật và nhân văn khiến người dạy võ, học võ có khi lúng túng, thấy mâu thuẫn giữa “lý luận và kỹ thuật võ học” với cuộc sống ngày nay, và điều ấy là bình thường, dễ hiểu, tác động này không riêng gì với võ học.
Thiển nghĩ, qua trải nghiệm thực tế, nếu người dạy và học võ – nói chung – có thế giới quan và nhân sinh quan hiện đại, học vấn cao – sở đắc tri thức khoa học – kỹ thuật, thì đấy chính là một cơ hội “sự thêm vào chứ không phải bớt đi”. Khoa học tâm lý chỉ có thể giúp người ta biết mình biết người hơn, nối dài cánh tay võ thuật, tăng sức mạnh đòn tấn công và phòng ngự tốt hơn chứ không phải ngược lại. Toán học và logich học cũng thế, giúp người dạy và học, người nghiên cứu võ thuật tính toán chặt chẽ hơn, chi li hơn v.v…
Và không thể bỏ qua yếu tố học vấn, một trí thức có nhận thức tốt về nhân văn, đạo đức tất không thể trở thành một võ sinh “chém to kho mặn”, võ biền, lạm dụng sức mạnh làm càn.
Và lúc này võ học được truyền thụ và tiếp nhận trong ánh sáng lấp lánh của văn minh, lồng ghép, cộng hưởng hài hòa thành một thứ văn hóa đỉnh cao hơn cả thuở khởi nguồn võ thuật.
Khi sức mạnh được nhắm đến những mục đích cao thượng, đầy tình người – Sự lo lắng về tương lai chật vật của võ thuật là thiếu căn cứ!
Võ thuật kết hợp sự tiến bộ khoa học – như đã nói – chỉ là “sự thêm vào chứ không phải mất đi”, tôi tin như thế.
Theo vothuat.vn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét