Võ Thuật HOÀNG GIA là sự kết tinh từ bộ môn võ cổ truyền của Việt Nam kết hợp với các tinh hoa võ học Quốc Tế - Giúp con người đạt đến Chân - Thiện - Mỹ trong võ học. Liên Hệ Hotline Để Được Hỗ Trợ:0902641618

Thứ Bảy, 11 tháng 11, 2017

CÁCH TẬP CÔNG PHU XƯA VÀ NAY CỦA VÕ CỔ TRUYỀN

Từ thời xa xưa, quan hệ thầy-trò trong các lò Võ ta còn gọi là Võ cổ truyền dân tộc và ngày nay là Võ cổ truyền Việt Nam, mặc nhiên được xem gần như quan hệ cha-con. Sân tập có thể là một bãi cỏ, sân đình, bờ sông... hoặc một mảnh vườn nhà thầy. Thầy "nhắm" tướng, xét tính tình và đoán hậu vận của từng người học trò mà dạy. Vì thế, cùng học một thầy nhưng mỗi người học trò được thọ truyền những môn học khác nhau: Quyền cước, Binh khí, Huyệt đạo, Y lý, Tướng số...
Nhưng dù học môn nào người học trò cũng phải trải qua một thời gian được thử thách bằng các hình thức như: Cày ruộng, gánh nước, giã gạo, xay lúa, đốn cây, mót củi... có khi kéo dài hằng năm trời hoặc lâu hơn trước khi được thầy dạy võ thuật. Sự thử thách đó nhằm làm bộc lộ tính cách, ý chí, lòng trung thành của người học trò đồng thời cũng để cho người học trò được tu dưỡng "tâm bền, chí quyết". Ngoài những mục đích đó, các công việc lao động mà người học trò phải làm trong thời gian thử thách cũng chính là những bài tập rèn luyện sức mạnh theo quan điểm "Học võ công trước hết phải tập võ lực". Những công việc ấy đòi hỏi sự vận dụng sức lực và phải gắng sức, kiên trì trong một quãng thời gian rất dài nên thường được gọi là "Công phu".

Khi đã được thầy chính thức truyền dạy võ công thì người học trò được tập những bài tập công phu có bài bản hơn. Những bài tập thường thấy tập trung vào một số mục đích nhất định:

1. Để rèn luyện sức bền bĩ, chịu đựng của từng bộ phận cơ thể, có những cách tập như:
- Dùng các ngón tay quắp lại bấu chặc miệng chiếc hũ đựng đầy nước rồi nâng lên, để xuống nhiều lần cho đến khi các ngón tay căng cứng không còn nâng chiếc hũ nước lên được nữa,
- Hai tay xách hay túi vải lớn đựng cát, sạn rồi đi và chạy ngược lên dốc, xuống dốc cho đến khi đôi chân mỏi không còn đi được nữa,
- Dùng búa gỗ đập vào ngực, bụng, lưng, tay, chân, từ nhẹ đến mạnh dần theo thời gian kéo dài từ một đến ba năm,
- Dùng đũa dài bằng tre, mây cột lại thành bó, đập vào cẳng chân, cẳng tay...

2. Để rèn luyện sức mạnh của tay, chân, có một số cách tập như:
- Trụ tấn thấp, vừa lắc hai bàn chân vừa trì xuống cho hai bàn chân lún sâu dần xuống nền đất thịt cho đến khi tàn cây hương,
- Trụ tấn thấp, khắc phần cẳng tay và cẳng chân vào cẳng tay và cẳng chân của bạn đồng môn. Lâu ngày về sau thì mỗi người tự khắc cẳng tay, cẳng chân của mình vào thân cây tre, cây chuối,
- Đấm và đá vào thân cây chuối đá. Lâu ngày về sau, đấm và đá vào thân cổ thụ có lớp da dày, cứng, sù sì,
- Cõng những bao gạo, những bó củi nặng trên vai, chạy trên đoạn đường dài lởm chởm sỏi, đá,
- Mang những vật nặng trên lưng, bò bằng hai bàn tay và hai bàn chân trên những đoạn đường dài ngược dốc...

3. Để rèn luyện kỹ năng nhảy cao vượt qua những chướng ngại vật:
- Đào những chiếc hố tròn, đứng từ dưới nhảy lên, càng ngày càng đào hố sâu dần,
- Chạy nhanh trên cát kết hợp với thóp bụng dưới. Càng về sau, dấu chân trên cát mờ dần thì thân đã nhẹ đi rất nhiều và độ cao đạt được sẽ cao hơn trước,

4. Để rèn luyện sức công phá khi dùng các loại binh khí, người ta cầm những cây gậy tầm vông, thanh sắt bằng hai tay hoặc một tay, đánh mạnh và liên tục vào các gốc tre, trụ sắt cho đến khi mình mẩy thấm đẫm mồ hôi.
.....
Nếu kể ra thì không thể nêu lên đầy đủ các cách tập công phu võ cổ truyền của người xưa vì mỗi vùng, miền, mỗi lò võ, mỗi thầy có sự nghiên cứu, sáng tạo riêng phù hợp với những điều kiện về địa hình, địa thế, bối cảnh lịch sử, điều kiện xã hội, yếu tố thiên nhiên đặc thù mà các thầy và học trò của các thầy đang có.
Để hỗ trợ cho việc tập công phu có kết quả, người xưa thường dùng hai loại thuốc:

- "Thuốc xoa" trước và sau khi tập, được giầm với rượu hoặc với giấm để xoa bóp bên ngoài các bộ phận cơ thể chịu sự va đập trong khi rèn luyện. Có loại thuốc được hâm nóng lên khi cần dùng. Có loại thuốc không cần hâm nóng nhưng phải chà xát vùng chịu va đập nóng lên trước khi tẩm thuốc. Cũng có những loại thuốc đựng trong hủ, người tập ngâm tay, chân vào trước và sau khi tập.

- "Thuốc uống" được sử dụng khi tập một số bài tập có sự va đập vào đầu, ngực, lưng, bụng. Những thang thuốc này có những vị thuốc làm thông khí, hoạt huyết, làm tan máu ứ và cũng có những vị thuốc tăng cường sức lực để người tập khỏi bị cảm cúm làm gián đoạn việc tập.

Ngoài việc dùng thuốc theo dược thang như trên, các thầy còn khuyên học trò dùng "ngoại khoa" bằng cách ăn đường bát và uống nhiều nước lạnh (nước lã) sau khi tập công phu. Đường bát là đường đen được nấu từ cây mía và đổ vào bát (tô), khi đường nguội thì trút ra khỏi bát, trở thành những chiếc bánh cứng bằng đường. Các thầy giải thích: Ăn đường đen sau khi tập công phu và lúc bị nội thương sẽ tống được máu bầm ra khỏi cơ thể bằng đường bài tiết. Nếu để máu bầm ứ đọng trong cơ thể lâu ngày sẽ có hại.

Thời gian tập buổi sáng thường bắt đầu vào giờ Mẹo (5-6 giờ) cho đến khi mặt trời lên khỏi ngọn tre. Buổi chiều bắt đầu sau khi mặt trời ngã hẳn về hướng Tây. Tuy nhiên cũng vẫn có thể tập bất cứ lúc nào trong ngày.

Phải ghi nhận một điều rằng, ngày xưa võ Cổ truyền Việt Nam của chúng ta có cách tập công phu đơn giản hơn lối tập của võ Cổ truyền Trung quốc rất nhiều: Không chế tác dụng cụ cầu kỳ, không ràng buộc thời gian, địa hình, địa thế khắc khe, ở đâu cũng tập được, lúc nào cũng tập được, miễn sao có điều kiện tập trung ý chí là được. Tập như thế mà hiệu quả rất cao, nhiều người đạt mức độ thành công rất phi thường. Có những người vật ngã trâu, giết được hổ, nhổ cả gốc tre già, ôm những chiếc cối đá lớn, những chiếc đỉnh bằng đồng nặng hai, ba trăm kí lô đi hằng trăm mét.
Ngày nay, hoàn cảnh xã hội và cuộc sống mưu sinh của con người đã thay đổi, thêm vào đó là có sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật nên cách tập công phu được gọi là tập "lực bổ trợ" của võ Cổ truyền Việt Nam cũng đã thay đổi rất nhiều:
Những cách tập luyện thường thấy bây giờ là: Nhảy dây; Tập xà đơn; Hít đất, Kéo dây lò xo; Đấm và đá vào xách treo hình trụ đựng mùn cưa, trấu, cát hoặc vào cây trụ quấn rơm, quấn dây dừa, vào nhíp xe hơi; Đeo túi đựng các thẻ sắt ở hai chân và chạy bộ đường dài; Kéo và đạp tạ nặng trong nhiều tư thế nằm, ngồi khác nhau, tập với sự hỗ trợ của các trang thiết bị kỹ thuật chạy bằng mô-tơ điện...

Khi viết bài này, tôi nghĩ rằng cần nhắc nhở các võ sinh còn trẻ một điều là: Tập võ thuật thì phải tập công phu mới có lòng tự tin và mới đạt được hiệu quả thực dụng trong thi đấu, chiến đấu. Tuy nhiên, tập công phu phải có thầy hướng dẫn cụ thể, tường tận cách tập, không nên đọc sách rồi tự tập mà không có người kiểm tra, uốn nắn. Khi tập thì phải tập cho đúng như sự hướng dẫn của thầy và tập liên tục hằng ngày, cũng không nôn nóng tham muốn chóng đạt kết quả mà tập quá nhiều, quá sức.

Việc tổn hại do tự tập, tập sai phương pháp không có biểu hiện ngay, thậm chí có khi trong thời gian mới tập một, hai tháng đầu, người tập còn có cảm giác thăng tiến và mạnh lên rất nhanh.
Tập sai lâu ngày, các hệ hô hấp, tuần hoàn và thần kinh sẽ bị rối loạn, tổn thương dẫn đến ù tai, hoa mắt, bần thần, trầm cảm, sợ hãi vu vơ... thậm chí không được giải trừ kịp thời có thể bị điên loạn. Vì vậy mới có câu "Không thầy đố mày làm nên" ./.
Võ sư Trần Xuân Mẫn - Công phu

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Liên Hệ [x]
hotline090 264 1618