Ông xứng đáng là một bậc đại sư – từng vang lừng trong giới quyền anh Đông Dương những năm 30; Hạ gục võ sĩ vô địch nước Pháp – La Fone.
Những người uyên thâm về võ thuật như ông, những năm cuối đời thường chọn cuộc sống vui thú điền viên với con cháu và đồng quê; tạm xa cuộc sống xô bồ và ồn ào chốn thị thành. Căn nhà ông nằm trong một con hẻm nhỏ gần ngã tư Ba La, xã Nghĩa Giõng, huyện Tư Nghĩa.
Tên ông là Nguyễn Tý, biệt danh trong làng võ là Bảo Truy Phong, dân địa phương thường gọi là Chín Sửu.
Dù không nổi danh như Bình Định, nhưng ít người biết rằng, Quảng Ngãi từng có nhiều đại võ đường và gắn với câu ra ngõ gặp người có võ. Quảng Ngãi được đánh giá là một trong 5 tỉnh thành đạt thành tích cao trong các kỳ thi đấu võ cổ truyền Quốc gia.
Cái tên Bảo Truy Phong không phải sinh ra để hăm dọa đối thủ ở danh trấn giang hồ, mà đó là tên ghép của hai sư phụ của ông – hai đại sư lừng lẫy đất Sài Gòn Gia Định – Dương Truy Phong (võ thiếu lâm) và Thái Văn Bảo (quyền anh).
Một thời lừng lẫy, nhưng rồi con người đâu thể thoát khỏi cái vòng tuần hoàn của sự sinh – biến – suy – vong. Vị đại sư ngang dọc từ Nam chí Bắc của những năm 30, phải nằm bất động sau cơn bạo bệnh. Chiếc bình nước nhỏ từng giọt chậm chạp, như đếm khoảnh khắc còn lại trên dương thế của ông.