Ông xứng đáng là một bậc đại sư – từng vang lừng trong giới quyền anh Đông Dương những năm 30; Hạ gục võ sĩ vô địch nước Pháp – La Fone.
Những người uyên thâm về võ thuật như ông, những năm cuối đời thường chọn cuộc sống vui thú điền viên với con cháu và đồng quê; tạm xa cuộc sống xô bồ và ồn ào chốn thị thành. Căn nhà ông nằm trong một con hẻm nhỏ gần ngã tư Ba La, xã Nghĩa Giõng, huyện Tư Nghĩa.
Tên ông là Nguyễn Tý, biệt danh trong làng võ là Bảo Truy Phong, dân địa phương thường gọi là Chín Sửu.
Dù không nổi danh như Bình Định, nhưng ít người biết rằng, Quảng Ngãi từng có nhiều đại võ đường và gắn với câu ra ngõ gặp người có võ. Quảng Ngãi được đánh giá là một trong 5 tỉnh thành đạt thành tích cao trong các kỳ thi đấu võ cổ truyền Quốc gia.
Cái tên Bảo Truy Phong không phải sinh ra để hăm dọa đối thủ ở danh trấn giang hồ, mà đó là tên ghép của hai sư phụ của ông – hai đại sư lừng lẫy đất Sài Gòn Gia Định – Dương Truy Phong (võ thiếu lâm) và Thái Văn Bảo (quyền anh).
Một thời lừng lẫy, nhưng rồi con người đâu thể thoát khỏi cái vòng tuần hoàn của sự sinh – biến – suy – vong. Vị đại sư ngang dọc từ Nam chí Bắc của những năm 30, phải nằm bất động sau cơn bạo bệnh. Chiếc bình nước nhỏ từng giọt chậm chạp, như đếm khoảnh khắc còn lại trên dương thế của ông.
Quảng Ngãi, vào thập kỷ của những năm 20 với bao thăng trầm dâu bể. Nghe thiên đường Sài Gòn Gia Định ở xứ Nam Kỳ dễ kiếm cơm, năm 1925, ông cùng người hàng xóm là Đoàn Phò rong ruổi vào Nam làm nghề xe kéo. Công việc nặng nhọc, suốt ngày quần quật trên đường như trâu ngựa.
Thấy lính Pháp hì hục tập võ trong đồn, ông thường đứng ngoài xem. Sài Gòn có 2 lò võ nổi tiếng của võ sư Dương Truy Phong và Thái Văn Bảo, ông đến bái sư và xin nhập môn. Vị đại sư này có vẻ chú ý đến cậu học trò quê ở Quảng Ngãi – ngày kéo xe, tối về học, khuya lại tiếp tục kéo xe.
Có một lần, 4 thằng bụi đời cầm dao phay rượt chém ông. Lựa thế bay vào nhà, ông quay ngoắt lại dập cửa, kẹp chân tên chạy trước, khiến con dao đâm lút vào tấm cửa gỗ.
3 tên thất kinh bỏ chạy, ông quay ra xử sự đúng theo kiểu Quan Công tha Tào Tháo trận Xích Bích – điềm nhiên rút dao trả lại. Vài hôm sau, tên này quay đến bái tạ. Sư phụ phục cái đức không thù oán của ông nên đã truyền dạy tất cả tinh hoa võ thuật.
Sau khi học võ thành danh, ông trải nghiệm thực tế tại trường đời bằng những trận giao đấu từ Bắc chí Nam, qua Campuchia. Trong những lần thượng đài, tên tuổi Bảo Truy Phong Quảng Ngãi “bách chiến bách thắng” nổi lên như cồn.
Gia đình lão hổ Bảo Truy Phong thời trung niên |
Đấu võ tự do lúc đó thực sự chẳng khác nào đấu trường La Mã cổ xưa – đó là nhiều khi đánh nhau trọng thương. Nhiều võ sĩ học cả đời, nhưng chỉ cần dính một đòn hiểm là thân bại danh liệt.
Tôi giật mình khi một danh sư trong làng võ khẳng định về lâm hổ Ngô Bông: Lão võ sư này còn nhiều bài quyền mà làng võ Việt Nam sắp thất truyền, ngoài bài hùng kê quyền.
Trong cuộc đời thượng đài, những trận gay cấn như gặp một võ sĩ bò mộng ở võ đường Thanh Hóa, lò võ này từng hạ sát võ sinh của võ đường Sài Gòn Gia Định.
Khi lên đài, ông thủ liên tiếp mấy hiệp để dò đòn đối phương, đồng thời làm cho đối phương mất kiên nhẫn và sơ hở. Cuối cùng, bằng đòn xoay người tung liên tiếp 6 chỏ liên hoàn như sấm sét, người xem hoa mắt chưa kịp định thần, chỉ thấy võ sĩ kia gục xuống sàn đài.
Nổi tiếng nhất là lần gặp võ sĩ vô địch quyền anh nước Pháp – La Fone. “Biết địch biết ta, trăm trận không nguy” – ông đã áp dụng chiêu này, hàng ngày nằm nghếch trên chiếc xe kéo, vờ đặt tờ báo lên mặt để quan sát võ sĩ này tập luyện.
Lúc thượng đài, ông di chuyển như mèo, khiến võ sĩ La Fone hụt hơi. Chỉ chờ một giây sơ hở, cú móc hàm trời giáng của ông, cộng với hai đòn bồi tiếp theo như bom tấn khiến võ sĩ này phải đầu hàng.
Năm 1938, tức sau 13 năm lưu lạc đất Sài Gòn và Cao Miên, ông quay về Quảng Ngãi và lên Ba Tơ dạy võ cho du kích, chuẩn bị lực lượng chờ cơ hội Tổng khởi nghĩa.
Lão võ sư Bảo Truy Phong chụp ảnh chung với các võ sĩ lò võ Tấn Hoành năm 1960 |
Giờ đây, mặc dù đã nằm một chỗ, nhưng ông luôn nhắc đến cái tên của tướng Nguyễn Chánh: “Ông Chánh kêu về Quảng Ngãi. Hồi ở Sài Gòn tôi cũng là cơ sở của đàng mình rồi”.
Nói chung, các thầy dạy võ ở Quảng Ngãi thời đó đều là người của Cách mạng. Tại Quảng Ngãi, gánh võ của ông xuôi ngược từ biển lên núi. Tất cả số tiền kiếm được đều bỏ vào hũ tiết kiệm phục vụ kháng chiến.
Truyền nhân lâm hổ
Tôi giật mình khi một danh sư trong làng võ khẳng định về lâm hổ Ngô Bông: Lão võ sư này còn nhiều bài quyền mà làng võ Việt Nam sắp thất truyền, ngoài bài hùng kê quyền.
Điều khác biệt nhất giữa lão võ sư Ngô Bông, 79 tuổi (ở xã Nghĩa Điền, huyện Tư Nghĩa) so với các võ sư khác ở Quảng Ngãi, đó là ông chuyên tâm nghiên cứu về võ cổ truyền. Ông trở thành một kho tàng lưu giữ các tinh hoa võ thuật của dân tộc từ ngàn xưa để lại.
Võ sư Tấn Tương Lai – Chủ tịch Liên đoàn võ thuật tỉnh Quảng Ngãi, người từng làm tổ trưởng trọng tài Quốc gia nên đã cọ xát với nhiều môn phái, khẳng định: “Rất là độc đáo, bài võ cổ truyền nổi tiếng nào hô lên là võ sư Ngô Bông thuộc làu.”
Bài hùng kê quyền thì khỏi phải bàn. Bài này của Nguyễn Lữ, nhưng cuối cùng bị thất truyền. Nhưng võ sư Ngô Bông lại là người nắm giữ. Bài này đã được Liên đoàn võ thuật Việt Nam xếp vào 9 bài quyền căn bản của võ học Việt Nam.
Bắt đầu theo nghiệp võ từ năm 11 tuổi. Suốt mấy chục năm tầm sư học đạo, khổ luyện những chiêu thức tinh hoa của võ nghệ, võ sư Ngô Bông đã thông thạo được nhiều tuyệt kỹ: đao, thương, kiếm, côn, quyền…
Thời đó, võ sư Bảo Truy Phong và Lâm Võ – hai người thầy lừng danh ở Quảng Ngãi đã đặt cho người học trò của mình biệt danh Lâm Hổ. Bởi, võ sư Ngô Bông đã nhiều năm khổ luyện thành công các bài Hắc Hổ, Mãnh Hổ xuất sơn, Hắc hổ hạ sơn, Ngọa hổ phục lâm.
Để có bộ trảo như móng vuốt của hổ, ông đã khổ công luyện thiết sa chưởng với cát, sỏi. Từ đó, mỗi lần tung đòn, uy lực của ngũ trảo ào ạt như vũ bão.
Cả đời gắn với nghiệp võ, và cuộc sống của võ sư Ngô Bông vẫn đạm bạc. Thế nhưng, nhiều người cho biết, những năm trước đây ông rất nghèo vì phải chật vật nuôi con ăn học. Vậy mà nghiệp võ ông không bao giờ bỏ.
Trên góc bàn thờ tổ tiên, ông dựng một loạt binh khí như: Roi trường Bình Định, đinh ba, kích Lã Bố, thương Triệu Tử Long, đại đao Quan Công, kiếm… Một danh sư trong làng võ cho biết: Bài đinh ba thì từ Bắc chí Nam chỉ có võ sư Ngô Bông còn giữ được chính danh.
Ông xuất thân từ hoàn cảnh không có một tấc đất cắm dùi – cha bị bắt đưa đi Côn Lôn khi ông vừa sinh ra được 3 ngày. Người mẹ vào Nam tìm chồng cũng bặt tin và chết sau đó ít lâu.
Ban ngày chăn trâu, ban đêm ông và bạn bè bí mật vào khu Gò Cháy để học võ của cậu Sáu – một người uyên thâm võ học của Tây Sơn. Lớn lên trong cảnh côi cút và cùng cực, lão võ sư Ngô Bông thấu hiểu cuộc đời như võ học: “Võ thì cả đời cũng không thể biết hết được; học võ cốt để giúp đời”.
Ngoài võ thuật đắc đạo được của nhiều sư phụ, kinh nghiệm ông thu nạp được nhờ nhiều trận tử chiến với những võ sĩ lừng danh thiên hạ. Ông từng qua Thái Lan nghênh chiến 4 lần thì bị thua một, hòa một, thắng hai.
“Gay go và ác liệt nhất là gặp võ sĩ Phi nát, nó toàn chơi đòn phá ngựa, chỏ lật rất gian ác. Trận đầu bị nó đánh rớt ngay sau vài hiệp. Về luyện tập và tiếp tục qua giao đấu. Ròng rã 6 hiệp, hai bên bắt tay xin hòa” – Ông kể lại những trận tử chiến của mình.
Còn đây là lời thiệu trong bài “thanh long đại pháp nhị kim cương” của Triệu Tử Long, một vị tướng thời kỳ cuối nhà Đông Hán và thời Tam Quốc mà sau này nghĩa quân Tây Sơn cũng sử dụng…
Ông đi như múa với cây đại đao đầy mãnh lực. Dù đã già, nhưng trí nhớ của ông dường như thuộc làu những điều đã học trong võ thuật. Ông còn thuộc làu hàng loạt bài: Nghiêm thương của Nguyễn Huệ, Thanh Long đại chiến, Hùng gia quyền, Mai hoa quyền, Lão hổ…
Gia đình lão võ sư Ngô Bông có 8 người con, Ngô Lâm Em và Ngô Sỹ là 2 con trai nối nghiệp võ của cha. Ngoài ra, ông còn có hàng ngàn môn sinh được truyền thụ võ thuật.
“Nghề võ không giàu, nhưng cả đời tôi mong truyền thụ cho con cháu, sau này không mất đi những tinh hoa mà các thế hệ cha ông đã khổ luyện để giữ gìn non sông, bờ cõi” – Hỏi về dự định trong tương lai, lão võ sư Ngô Bông chia sẻ tâm nguyện của mình còn sống, còn theo nghiệp truyền dạy võ thuật tinh hoa của dân tộc.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét