Từ những bộ phim võ thuật hành động và các ngôi sao hào nhoáng cho đến sự thành công của đấu đài MMA, Kickboxing, quyền Anh, Wushu với những trận đấu hàng trăm triệu đô, rất nhiều người ngày càng hứng thú với võ thuật. Những điều đó cũng góp phần tạo nên phong trào tìm hiểu và luyện võ khắp nơi.
Trong trào lưu đó, Việt Nam từng là một cường quốc võ công mấy nghìn năm nhưng đáng tiếc lại có quá ít người theo học võ công cổ truyền. Vậy nên trong bài viết này, người viết mong muốn phục hưng những giá trị tinh hoa chân chính của võ học dân tộc, đồng thời làm rõ sự khác biệt giữa võ thuật cổ truyền và các môn võ thể thao hiện đại, mong rằng qua đó mọi người có được sự lựa chọn đúng đắn cho mình.
Võ thuật truyền thống Việt Nam là gì?
Cổ truyền là truyền lại từ thời xa xưa. Trong đó chữ “Truyền” là quan trọng nhất. Truyền là truyền đạo thụ nghiệp, do thầy, sư phụ truyền thụ học vấn, đạo đức cho học trò, đệ tử, do đó nó phải có sư phụ dạy. Truyền cũng có ý nghĩa truyền từ đời này qua đời khác kéo dài trong lịch sử. Trang Tử nói: “Củi hết lửa truyền”, tức là truyền lửa bởi củi, liên tục không đứt. Cổ nghĩa là không phải hiện đại, là thứ có từ rất xa xưa, không phải sáng tạo gần đây.
Chính Thống thì chữ “Chính” là Chân Chính, là ngay thẳng, không phải thứ kỹ xảo lòe người mà là võ công chân chính. Sau đó chữ “Thống” ở đây có nghĩa là hệ thống, nghĩa là phải chia thành các môn học, rèn luyện cho võ sinh một cách có hệ thống, có thứ tự lớp lang, tuyệt đối không có chuyện đốt cháy giai đoạn hay hạm chuộng học những thứ tác dụng nhanh. Do đó võ thuật cổ truyền chính thống ban đầu gọi là võ công chân truyền.
Võ thuật cổ truyền chính thống ban đầu gọi là võ công chân truyền. |
Tóm lại, võ thuật Việt Nam với 4.000 năm lịch sử đã để lại một gia tài vô cùng đồ sộ và quý giá. Những gì quý nhất của cổ nhân mới được chúng tôi trân trọng gọi với cái tên là “Võ Thuật cổ truyền chính thống”.
Người sáng lập ra môn phái võ thuật cũng giống như các Thánh hiền sáng tạo ra học thuyết của họ, chỉ là tầng thứ khác nhau mà thôi. Người sáng lập ra môn phái võ, thể ngộ ra kỹ thuật và lý luận võ thuật cao tầng, siêu xuất vượt khỏi người thường, người đời sau chỉ có thể cầu học xin được dạy. Nếu sư phụ thử thách, thấy có thể dạy được, nhận làm đồ đệ, đồ đệ còn phải tu đức chịu khổ, chăm chỉ học, khổ luyện, và cũng phải có ngộ tính, đặc biệt là không được kiêu ngạo.
Thông thường học được chút bề ngoài, do chưa được trải nghiệm nhiều, nên cảm thấy đã là ghê gớm lắm, có thể như thế này, như thế kia, thì sẽ khó mà tiếp nối được sự “Chính Thống” của môn phái xuống đời sau. Nếu đồ đệ mới học được chút bên ngoài đó mà thành “sư phụ” thì là hỏng rồi. Võ thuật cổ truyền được truyền thừa gian nan như vậy đó.
Ví dụ như môn “đánh roi” nổi tiếng của xứ Bình Định đòi hỏi người luyện phải thật sự kiên nhẫn và rèn luyện thời gian rất lâu dài và rất khó luyện thành. Người sau thấy khó quá, cảm thấy môn côn pháp của Trung Hoa dễ luyện hơn nên luyện lẫn vào nhau rồi qua một thời gian thì người ta lẫn lộn cả lên, chẳng biết đâu là roi mà đâu là côn nữa. Truyền thừa đến đây coi như đã mất hẳn rồi.
Mục đích học võ – Học võ vì điều gì?
Trái với suy nghĩ của nhiều người là học võ vì để chiến đấu hay tự vệ, mục đích chân chính của võ thuật lại không phải như thế. Vì võ thuật cổ truyền Việt Nam sinh ra trong cái nôi triết lý uyên thâm của Nho – Phật – Lão suốt mấy nghìn năm, nên mục đích chân chính của nó chính là giúp con người rèn luyện thể chất một cách thích hợp để bản thân có thể đạt đến sự thăng hoa tối thượng về tinh thần, qua võ mà đạt Đạo, cũng tức là “võ Đạo”. Do giá trị to lớn như vậy nên các võ sinh tương lai cần xác lập tư duy đúng đắn về lý do mình học võ, từ đó chọn cho đúng môn đúng người thì mới không phí đi thời gian của bản thân cũng như mai một đi vốn quý thực sự của võ.
1. Học võ vì rèn luyện sức khỏe?
Cũng có người tìm đến võ vì mục đích sức khỏe, thân thể dẻo dai. Nhưng có một sự thật trái ngược ít người biết là võ thuật hiện đại không hề đem đến sức khỏe thật sự cho người tập. Nếu bạn cố gắng tập quá nhiều, trái lại còn để lại nhiều di chứng không tốt, dẫn đến nhiều bệnh tật hơn những năm lớn tuổi về sau.
Tại sao lại như vậy?
Vì võ thuật hiện đại đã hoàn toàn biến đổi và thoát ly khỏi cái gốc của võ thuật cổ truyền chính thống. Nó chính thị là một môn thể thao hiện đại sử dụng chiêu thức của võ thuật, chứ không phải là võ thuật. Vì là thể thao nên nó chỉ chú trọng tăng cường huấn luyện trong vận động, phát triển sức mạnh cơ bắp trong ngắn hạn chứ không hề có giá trị đối với dưỡng sinh và sức khỏe lâu dài. Nó chỉ hiệu quả trong thời gian ngắn đối với thanh thiếu niên, nam giới trước 32 tuổi (nữ là 28 tuổi). Sau độ tuổi đó trở đi, càng luyện sẽ càng có hại, có thể làm cho cơ thể lão hóa nhanh hơn, khi chấn thương khó phục hồi và còn tiềm ẩn việc phát sinh nhiều bệnh tật khác về sau (nhất là đối với những người luyện võ thi đấu chuyên nghiệp kiểu thể thao).
Điều dễ thấy nhất thể hiện ở chỗ các vận động viên võ thuật thường có nét mặt cứng và già hơn người cùng tuổi và rất ít người còn có thể thi đấu chuyên nghiệp sau 40 tuổi. Ví dụ dễ thấy nhất là các võ sĩ quyền Anh như Muhammad Ali đang vật vã với chứng Parkinson và rất nhiều võ sĩ hôn mê sâu, thậm chí tử vong do chấn thương. Tỷ lệ chấn thương của MMA lên đến 23%. Hay như môn võ hào nhoáng Wushu có khá nhiều vận động viên vì chấn thương mà phải rời sàn thi đấu. Các diễn viên Trung Quốc chuyên đóng phim võ thuật xuất thân từ Wushu cũng không có kết cục tốt từ trung niên trở về sau, đa phần bệnh nặng nhiều năm mà qua đời. Có thể kể đến Lý Liên Kiệt, Thành Khuê An, Vu Thừa Huệ, Lưu Gia Huy, Nguyên Hoa, v.v. người qua đời người gần như tàn phế cũng là những tấm gương nhãn tiền.
Điều này trái ngược với các võ sĩ thời cổ đại, những người với võ công siêu đẳng bất kể tuổi tác mà vẫn sống rất thọ với sức khỏe hoàn hảo và hầu như rất ít bệnh tật. Vì căn bản của võ công chính tông đặt trên nguyên lý “Thiên Nhân hợp nhất” để con người thăng hoa thể xác và tinh thần thông qua việc luyện công tập võ, nên nó khá xa lạ với việc thúc ép cơ thể để thi đấu rồi gây ra chấn thương. Ngay cả việc luyện Ngạnh Công như Thiết Sa Chưởng hay Chu Sa Chưởng cũng phải phối hợp với phương pháp vận khí bí truyền, sau mỗi buổi tập còn kết hợp thuốc ngâm thảo dược, rượu thuốc bôi tay chân để đảm bảo không để lại bất kỳ di chứng hay nội thương nào. Vậy nên các cao thủ ngày xưa có thể chiến đấu hoạt động từ trẻ cho đến lúc cuối đời mà không hề bị ảnh hưởng bởi bệnh tật nào nghiêm trọng.
Các ví dụ về việc này có vô số trong lịch sử, từ Thái úy Lý Thường Kiệt lúc 56 tuổi (1075) còn đích thân thống lãnh quân đội chiếm hai châu Khâm Liêm của nhà Tống, năm 84 tuổi (1103) còn dẫn quân đi đánh Chiêm Thành. Hưng Đạo Vương Quốc Tuấn cầm quân chiến đấu với Mông Cổ từ năm 30 tuổi, đến 60 tuổi vẫn đánh bại chúng ở sông Bạch Đằng. Cả hai đều là những võ tướng nổi danh, luyện võ từ tấm bé, chiến đấu cả đời mà về già vẫn tráng kiệt cho đến lúc mất.
Hưng Đạo Vương Quốc Tuấn cầm quân chiến đấu với Mông Cổ từ năm 30 tuổi, đến 60 tuổi vẫn đánh bại chúng ở sông Bạch Đằng. |
Gần đây nhất thì có cố võ sư đại lực sĩ Hà Châu thuộc Thiếu Lâm Hồng Gia Quyền Chính Tông đã đạt được những công năng đặc dị phi thường về Ngạnh Công hiếm hoi trên thế giới. Ông sống đến 87 tuổi, năm 81 tuổi vẫn kiếm sống bằng một nghề cần nhiều sức mạnh như rèn binh khí. Năm 1990 lúc 66 tuổi, ông còn đi biểu diễn Ngạnh Công ở Liên Xô, đến 2006 lúc 82 tuổi vẫn biểu diễn công phu hoàn hảo tại nhà thi đấu Quân Khu 7. Hay như cố đại võ sư Trần Tiến (1911-2011) chưởng môn sáng lập Thiếu Lâm Nội Gia Quyền Việt Nam đến năm 100 tuổi (trước khi mất 1 năm) vẫn biểu diễn nội công trước hàng ngàn khán giả. Cả đời ông thượng đài đánh bại vô số đối thủ khắp Đông Nam Á, từ Thái Lan, Philippines, Malaysia, Myanmar, Singapore và cả Hồng Kông khiến không biết bao nhiêu cao thủ phải khiếp sợ và thán phục.
Những tấm gương nêu trên đều là những sư trưởng học võ công cổ truyền chính tông mà có được danh tiếng, võ thuật, cũng như sức khỏe tuyệt vời cả đời. Điều đó cũng chứng minh hiệu quả không gì so sánh của võ công chính thống. Vậy nên nếu bạn muốn có sức khỏe tốt, hãy tìm võ cổ truyền chính tông mà học. Còn như muốn thi đấu đỉnh cao để thi đấu đạt huy chương trong các môn võ hiện đại như Kickboxing, quyền Anh, Wushu, MMA, v.v., thì xin đừng quên rằng tác hại về sau là phải sống trong chấn thương và nội thương những năm tuổi già.
2. Học võ vì tự vệ và chiến đấu?
Nhiều người đến với võ thuật vì muốn có được khả năng tự vệ và chiến đấu. Nhất là khi các bộ phim hành động võ thuật ngày càng ăn khách, các ngôi sao MMA lên ngôi với những màn thi đấu kịch tính khiến nhiều người trở thành môn sinh với ước mong trở nên hoành tráng như thế.
Nhưng liệu đó có phải sự thật? Rất tiếc phải nói rằng sự thật không phải như thế. Trái ngược với vẻ bắt mắt của các bộ môn đó thì hiệu quả chiến đấu của chúng lại rất thấp nếu so với các môn võ cổ truyền chính thống.
Trước hết, võ cổ truyền ngày xưa ngoài việc rèn luyện thân thể thì còn dùng để bảo vệ bản thân trước dã thú và dùng để chống giặc ngoại xâm. Vì thế, võ cổ truyền có chiêu thức thực dụng, sức hủy diệt ghê gớm mà không hề hoa mỹ đẹp mắt. Thân thể của các võ sư thượng thừa qua rèn luyện lâu năm thì từ ngón tay đến đầu, cẳng chân, v.v. đều trở thành những vũ khí sát nhân trong nháy mắt.
Những vật dụng thường ngày từ cái khăn, cây trâm cài đến đôi đũa, cái muỗng qua tay họ đều trở thành vũ khí lợi hại. Nên các môn phái xưa đều cấm giao đấu hay thi triển võ công tùy tiện, lúc chọn đồ đệ đặc biệt quan tâm đức độ và tính cách để không phải trao nhầm kẻ hiếu sát.
Do đó các võ sư cao thủ cổ truyền thân hoài tuyệt học, có thể đánh bại trăm người nhưng bên ngoài vẫn như những người bình thường, thậm chí còn bình thường hơn cả những người thường. Họ không hề khoe khoang để gây chú ý hay dùng võ công thi đấu kiếm tiền. Họ giống những khẩu súng của người lính biên phòng với đạn luôn lên nòng nhưng vẫn mong cả đời không phải dùng đến.
Còn các môn như MMA, quyền Anh, Kick Boxing thì lại coi lối phô diễn chiêu thức, sức mạnh cơ bắp và hình thể là tiêu chí để đạt đến nên mới có nhiều giải đấu đến như thế. Nó chính thị là một môn thể thao võ thuật rồi, không phải là võ công chân chính, nên dẫu được ca tụng với sự lợi hại thế nào thì khả năng thực chiến của nó không đáng để nhắc đến.
Nhưng tại sao trên báo lại thấy nhan nhản các cao thủ MMA đánh bại các võ sư cổ truyền? Vì những tinh hoa chính thống kế thừa của ông cha đã mất đi rồi, những thứ mà các võ sư học được chỉ còn là cái vỏ bên ngoài, thậm chí một số người còn dám chỉnh sửa lại cho dễ tập thì làm sao mà đem lại hiệu quả được? Những gì như Thái Cực Quyền 10 thức, 32 thức kia sao có thể đạt đến cảnh giới cao của võ thuật được chứ đừng nói đến chuyện chiến đấu với MMA hay Kick boxing. Những tay đấm MMA dù có kém cỏi so với võ công chính tông, nhưng so với những võ sư “Thái Cực nửa mùa” kia thì lại trội hơn nhiều, nhất là về cơ bắp và thể lực.
Hơn nữa các võ sư cao thủ truyền thống đạt đến trình độ rất cao sẽ không màng đến danh lợi, rất khó để họ thượng đài thi thố với các môn phái khác.
Wushu cũng chẳng khá khẩm gì hơn mặc dù nó mang tên là Võ Thuật (WuShu) với các bài quyền và binh khí tổng hợp từ võ cổ truyền Trung Quốc. Nhưng nó chỉ dùng cái vỏ bên ngoài (bài quyền), chú trọng đến chiêu thức đẹp mắt, phong cách hùng dũng, vũ khí sáng loáng nên chỉ chọn rèn luyện những thứ hoa mỹ khó khăn để biểu diễn mà bỏ hết hoàn toàn nội hàm của võ công cổ xưa. Vậy nên càng không cần nói đến tính thực chiến của nó nữa, nó vốn là sinh ra chỉ để biểu diễn. Kể cả Yi Long nổi tiếng của Thiếu Lâm hiện đại kia cũng chỉ là học chút da lông và luyện võ kiểu MMA cơ bắp, nên hãy còn xa lắm mới đến trình độ của Lý Tiểu Long chứ đừng nói đến sư phụ anh là Diệp Vấn. Những Lý Liên Kiệt, Chân Tử Đan cũng chỉ trội hơn một chút nhưng cũng còn xa lắm mới đạt đến trình độ trung bình của võ công thật sự. Vì thế mà Lý Liên Kiệt về già mới thê thảm như vậy…
3. Học võ vì yêu thích văn hóa và đạo đức cổ xưa?
Xét về ngôn ngữ thì chữ “Võ” trong Hán tự lại có nghĩa là chấm dứt can qua, chỉ một người có khả năng chấm dứt xung đột. Và theo triết lý cổ thì “bất chiến tự nhiên thành” hay “vô chiêu thắng hữu chiêu” mới là cảnh giới cao nhất của võ nhân. Vậy nên ý nghĩa của võ và mục đích luyện võ là để hoàn thiện phẩm chất của người Việt chân chính.
Vì thế nên ngày xưa các tổ sư truyền công đều lựa chọn đồ đệ có đức độ và môn quy của các võ phái cổ luôn có quy chuẩn rất khắt khe về đạo đức. Nên nếu nói rằng học võ để nâng cao giá trị đạo đức cho con người thì cũng là điều hết sức đúng đắn. Nếu muốn đạt đến võ công cao cường thì việc tu dưỡng đạo đức, sống thuận tự nhiên và tôn trọng, hiểu biết sâu sắc về văn hóa truyền thống chính là khởi đầu tốt nhất để đạt đến đỉnh cao.
Vì thế những bạn trẻ nào có mong muốn rèn luyện võ thuật vì lý do này, thì xin chúc mừng các bạn vì đó là lý do chính xác nhất. Điều này cũng chứng tỏ bạn là người có cơ duyên lớn và có nhiều khả năng sẽ có thành tựu to lớn trong võ thuật, biết đâu còn có thể khai tông lập phái.
Ví dụ sinh động nhất thời cận đại chính là của cố võ sư Funakoshi Gichin, tổ sư hệ phái Karate Shotokan và còn được gọi là cha đẻ của Karate hiện đại (ghi chú: Karate cũng là một chi phái võ công cổ truyền, nhưng khi truyền bá ra thế giới nó đã lược bớt đi nội hàm chân chính rồi – Chúng tôi ở đây chỉ lấy ngài Funakoshi làm ví dụ, vì ông lúc đó vẫn mang đầy đủ nội hàm của võ công ngày xưa).
Trong số vô vàn võ sư cao thủ Karate tại Okinawa, ông còn rất trẻ nhưng lại được chọn để đi giới thiệu Karate tại Nhật Bản chỉ vì ông là người có trình độ cao nhất và cực kỳ am hiểu lễ nghi truyền thống và văn hóa của người Nhật. Trái với nhiều người nghĩ truyền bá võ thuật là phô diễn những kỹ năng võ nghệ hay để quật ngã các cao thủ nội địa Nhật Bản, Funakoshi đã truyền bá Karate với phong thái vô cùng nhã nhặn và với những lễ tiết cổ truyền cao nhất chỉ có thể thấy ở các nhà quý tộc cổ xưa. Karate đã được giới võ thuật, trí thức cũng như nhân dân Nhật Bản vui vẻ đón nhận như một giá trị văn hóa truyền thống với phong thái thượng võ và lịch lãm hiếm có của Funakoshi. Nhờ đó mà nó cắm rễ sâu vào nước Nhật và phát triển sau này khắp thế giới.
Chữ “Không” (Kara) trong Karate (Không Thủ) ngoài ý nghĩa là chiến đấu tay không còn có nghĩa là cấm người luyện tập không được dùng nó để đánh bất kỳ ai. Điều này thể hiện qua giai thoại còn truyền đến nay, nó xảy ra vào lúc tổ sư Funakoshi 80 tuổi. Trong lúc trời tối vắng người, ông đi bộ về nhà một mình qua ga tàu vắng thì bị một tay côn đồ chặn đường cướp cạn. Chỉ bằng một chiêu đơn giản ông đã hạ gục ngay hắn dù lúc đó ông đã 80 tuổi. Ngay lúc đó, đội tuần tra xuất hiện, tổ sư môn phái Karatedo tiếp tục đi về nhà, để mặc tên lưu manh cho cảnh sát xử lý.
Về sau Tổ Sư Funakoshi hồi tưởng: “Về nghĩ lại, tôi cho tên côn đồ đó chẳng qua cũng là một người lính giải ngũ thất nghiệp lang thang và đã bốc đồng làm bậy. Còn tôi, trong lúc nhất thời, tôi đã bất đồ xuất thủ làm một việc mà tôi vẫn tuyệt đối cấm các đệ tử mình. Thật là đáng xấu hổ”. (Trích “Karate- Đạo và Đời”).
Vì sao võ truyền thống không hấp dẫn người trẻ?
Võ thuật cổ truyền chính thống, từ tên suy ra nghĩa, do sư phụ dạy cho môn đồ và được tương truyền từ đời này sang đời khác, lại chia thành nhiều môn phái (môn học). Võ thuật và võ đức được truyền dạy và kế thừa một cách có hệ thống của các môn phái khác nhau, nên mới gọi là võ thuật chính thống. Nó chú trọng phát triển tinh thần trước rồi mới đạt đến đỉnh cao của võ công, chú trọng dưỡng sinh và nội công sao cho cơ thể luôn khỏe mạnh bền vững. Nó có khả năng đạt đến các công năng siêu thường gây kinh ngạc thế nhân. Nó không chú trọng phô trương ngoài mặt, mà ngược lại, trình độ càng cao thì càng phải ẩn giấu vào trong, càng đạt Đạo thì lại càng giống như những người bình thường sao cho không ai nhận ra.
Võ thuật và võ đức được truyền dạy và kế thừa một cách có hệ thống của các môn phái khác nhau, nên mới gọi là võ thuật chính thống. |
Võ thuật hiện đại không phải là nghệ thuật chân chính cổ xưa, sư phụ của họ cũng không phải luyện những thứ này. Do đó gọi là võ thuật hiện đại hay võ thuật tự chọn, tức là có thể tự chọn một số trong các môn các phái, tự luyện, thêm vào, và có thể tự thay đổi, khác hoàn toàn với võ thuật truyền thống. Quan trọng nhất là “sư phụ” của các môn này luôn tìm cách đơn giản hóa những gì phức tạp của tiền nhân để lại mà họ không thể lý giải được.
Do đó võ thuật hiện đại không chú trọng cách dùng, không chú trọng dưỡng sinh và nội công, mà giống với thể thao, giống với vũ đạo. Nó cũng không quan tâm đến sự phát triển về tinh thần, đạo đức và sức khỏe người tập. Tất cả những gì nó hướng đến là đem lại chiến thắng trong thi đấu, những pha đẹp mắt lúc biểu diễn và khả năng càng dễ tập càng tốt, càng nhanh có thành tích càng tốt. Nó không thể nào biến con người ta thành người siêu thường với những công năng tưởng chỉ có trong truyền thuyết.
Vì thế võ thuật hiện đại rất phù hợp với người trẻ hiện nay đang sống trong một thế giới thực dụng, cái gì cũng ham muốn nhưng không đủ đức độ và nhẫn nại để theo đuổi võ công truyền thống. Nên những thứ quý giá này theo thời gian đã vĩnh viễn mai một, quả là điều đáng tiếc.
Lựa chọn là ở bạn, vì sự tốt đẹp cho tương lai
Vậy tóm lại, nếu muốn luyện võ có được hiệu quả tốt đẹp nhất thì nên lựa chọn võ công cổ truyền chính thống. Nhưng trong thời đại mà đồ giả tràn lan hiện nay, kể cả những nơi trương bản “cổ truyền” cũng chưa chắc là chân thật. Vậy thì, có những tiêu chí nào giúp chúng ta phân biện được chính và ngụy hay không? Người viết xin nên ra một số nguyên tắc sau để mọi người lựa chọn:
1. Chọn thầy:
Vì chữ “truyền” rất quan trọng nên hãy tìm kiếm những đại sư chân chính để theo học. Tuy nhiên có danh tiếng không nhất định tốt. Vì cổ truyền quan trọng nhất là “võ Đức”, nên hãy chọn Thầy có đạo đức tốt, nhân cách tốt, điều này sẽ thể hiện qua thái độ xử thế của Thầy đối với tiền bạc và danh vọng. Nếu người đó quá coi trọng tiền bạc và danh vọng, đó tuyệt đối không phải Chân Sư. Hay khi bạn phải trả quá nhiều tiền cho một “danh sư” nào đó để học tuyệt kỹ thì điều đó cũng là quá sai rồi, những gì học được sẽ chỉ là vỏ ngoài. Thứ quý giá thật sự không thể dùng tiền mà đo được, nên ngày xưa có câu “Thầy đi tìm trò” là như thế. Cần phải tìm đúng người có đạo đức mà trao truyền y bát. Vì thế bản thân bạn hãy trau dồi lối sống đạo đức trước khi đi tìm Thầy mà bái sư học Đạo.
Ví dụ, Vịnh Xuân Quyền truyền nhân chân chính chỉ có lão võ sư Quách Phú, người nhận y bát duy nhất của đại sư Diệp Vấn. Ông đã căn dặn trước khi mất: “Sau này nếu ai muốn học công phu Vịnh Xuân chính tông thì hãy đến Phật Sơn, tìm Quách Phú”.
Hiện nay, tại khu Nam Hải, Bình Châu, TP Phật Sơn, tỉnh Quảng Đông có một ngôi nhà cổ, trên biển đề “Quách thị Vịnh Xuân quyền hội”. Đây chính là nơi ẩn cư của đại sư Quách Phú, trong nhà vẫn treo tranh ảnh của đại sư Diệp Vấn, sư phụ mà ông tôn kính suốt đời. Nơi đây ông đã đào tạo hàng trăm võ sinh suốt cả đời mà hầu như chẳng thu đồng học phí nào.
2. Chọn môn:
Dĩ nhiên võ công cổ truyền là tốt nhất, tuy nhiên các chi phái võ cổ truyền cũng không phải là tốt hết đâu. Hãy tìm hiểu và dùng kiến thức của bạn để tìm ra nơi chân chính.
Ví dụ, nếu bạn yêu thích võ Thiếu Lâm như Thiếu Lâm Hồng Gia hay Vịnh Xuân quyền, hai môn phái này có rất nhiều chi phái. Vậy thì hãy tìm đến chi phái nào mà có chưởng môn gần nhất là cao thủ chân chính. Như Hồng Gia thì hãy tìm đến Hồng Gia Chính Tông của cố võ sư Hà Châu. Huyền Công Đạo của cố võ sư Trần Công, Bình Định, thì có Sa Long Cương của cố sư trưởng Trương Thanh Đăng, Nam Huỳnh Đạo của võ sư Huỳnh Tuấn Kiệt, v.v.
3. Hãy nhìn vào thủ pháp, mã bộ và giáo trình:
Võ công chính tông coi rèn luyện căn bản là quan trọng nhất nên phần giáo trình nặng nhất chính là phần công phu cơ bản. Thông thường phải mất 3 đến 5 năm mới có thể hoàn thiện phần này. Trong thời gian đó, võ sinh phải rèn luyện rất gian khổ những bộ tấn, thủ pháp và quyền cước rất phức tạp và lặp lại hàng nghìn lần đòi hỏi đức tính kiên nhẫn rất cao.
Ví dụ, các môn võ thời thượng như Taekwondo, Karate chỉ cần 2 đến 3 năm là đeo huyền đai, có thể đứng lớp dạy người mới; hay như một số môn võ “cổ truyền Việt Nam” dạy tại các trung tâm thể thao chỉ sau 1-2 năm là đã biết đánh binh khí rồi. Khác biệt về chất lượng và nội hàm này phải vào thực chiến mới biết được. (Ở đây tôi không nói đến các cao thủ Karate và Taekwondo chính quốc được rèn luyện đầy đủ nội hàm và chính quy). Vậy nên, chỉ cần nhìn vào giáo trình và sự gian khổ của lớp nhập môn là biết được ngay có chân chính hay không.
Khi người ta còn trẻ, thì dễ bị tâm lý đám đông và những thứ hào nhoáng dẫn đến những lựa chọn không chính xác. Có một số lựa chọn sai cũng không gây hại gì lớn, nhưng Võ thuật và văn chương là hai mặt quan trọng nhất trong nền văn minh tinh thần của con người từ ngàn xưa. Nếu như lựa chọn sai thì hậu quả sẽ rất lâu dài, chưa kể võ thuật chọn sai luyện sai còn ảnh hưởng đến sức khỏe bản thân.
Những điều nêu trên không nhiều nhưng chắc cũng đủ để chúng ta suy ngẫm lại và lựa chọn đúng những gì chân chính thật sự để đem lại hiệu quả tốt và lâu dài cho bản thân.
Làm sao để phục hưng võ công chính thống, niềm mơ ước nghìn năm?
Làm thế nào phục hưng võ thuật cổ truyền chính thống? Đây chính là câu hỏi day dứt khôn nguôi của các bậc danh sư cũng như bao thế hệ võ sinh chân chính của nước ta. Biết bao vị chân sư vì không làm được điều này mà ôm hận, đem hết bao tinh hoa võ thuật xuống lòng đất sâu. Vì sao khó phục hưng võ công chính thống?
Vì võ thuật truyền thống chú trọng võ đức. Võ đức là ngăn chặn cái ác, hoằng dương cái thiện. Nhưng võ đức không phải là toàn bộ võ thuật, còn phải có kỹ thuật, phương pháp, lý luận và tầng thứ. Tầng thứ là nói người tập luyện có thể đạt đến cảnh giới tinh thần khá cao. Cảnh giới khá cao thì sẽ tin nhân quả, rõ thiện ác, tôn đạo trọng đức. Sau đó chuyên cần học khổ công luyện có thể nâng cao kỹ thuật, hoặc ngộ ra thứ cao siêu, đạt được tầng thứ cao. Tầng thứ càng cao thì trí huệ càng nhiều, võ nghệ càng siêu phàm. Chỉ có càng nhiều người được như vậy mới có thể phục hưng võ thuật truyền thống.
Võ đức là ngăn chặn cái ác, hoằng dương cái thiện. Nhưng võ đức không phải là toàn bộ võ thuật, còn phải có kỹ thuật, phương pháp, lý luận và tầng thứ. |
Bây giờ người học võ có mấy ai coi võ đức làm trọng? Môn quy đều quên tuốt khi thấy lợi trước mắt, giữa đồng môn còn hãm hại ganh ghét lẫn nhau. Người học võ gì mà thấy thiện thì khinh, thấy ác thì sợ; còn có kẻ học vài năm đã coi mình là đệ nhất không có đối thủ; người thì chấp trước danh lợi, bỏ quên võ đức; kẻ học chút bề ngoài, coi thường tiền bối; người trong mắt không có ai, duy có môn của mình; hoặc kẻ đi vào đường tà, tất cả đều là biểu hiện của việc không tu võ đức. Những điều này đều góp phần hủy diệt nền võ thuật truyền thống.
Võ đức là linh hồn của võ thuật. Quyền pháp chiêu thức là hình thể của võ thuật, hai cái này không thể thiếu một. Một người đức cao thì ngộ tính sẽ cao. Nếu anh ta thích luyện võ thuật, có minh sư dạy, lại thêm cá nhân dày công khổ luyện và thể nghiệm, suy nghĩ, thì có thể có ngày, người đó sẽ gặp đại cơ duyên mà sẽ ngộ ra điều gì, có thể vượt qua thầy của chính mình. Đó chính là siêu việt, là sáng tạo.
Tình huống này thực ra là đã tiến nhập vào giai đoạn tu luyện cơ sở, hoặc là được người tu luyện chỉ bảo. Do đó phân biệt rõ thiện ác, tin nhân quả, trọng đạo đức, là tối quan trọng. Nếu càng nhiều người đồng đạo trong giới võ thuật truyền thống, cùng nhau nỗ lực, thì phục hưng văn hóa đạo đức truyền thống, phục hưng võ thuật truyền thống, ắt sẽ thành công.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét