Theo bộ sử Khâm định Việt sử thông giám cương mục, đời vua Lê Dụ Tông, niên hiệu Bảo Thái năm thứ 4 (1723), chúa Trịnh Cương định lệ tổ chức kỳ thi võ đầu tiên, gọi là thi bác cử, năm sau cho tiến hành. Triều đình quy định 3 năm một lần, vào các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu thì thi ở các trấn, gọi là “sở cử”, 4 năm Thìn, Tuất, Sửu, Mùi thi hội ở kinh đô gọi là “bác cử”.
Khoa thi đầu tiên này, chúa Trịnh Cương rước nhà vua thân đến xét duyệt. Khoa đó lấy đỗ 11 người, đều được công nhận là tạo sĩ xuất thân, với Nguyễn Công Tự, người huyện Đông Sơn, Thanh Hóa đứng đầu, ngoài ra thì cho đỗ tam trường. Đó là 11 võ tiến sĩ đầu tiên của nước ta.
Theo sử sách, trong số những võ tiến sĩ đầu tiên này, thì về sau các ông Văn Đình Dận (người Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh), Hoàng Nghĩa Bá (người huyện Đông Ngàn, Kinh Bắc, nay là huyện Gia Lâm, Hà Nội) sau đều là các danh tướng một thời.
Từ khoa thi đó về sau, cứ 3 năm một lần thi, chúa Trịnh đều tự chuyên quyền xét duyệt, không cần đến sự có mặt của vua Lê nữa
Theo sách Lê sử tục biên thì phép thi “sở cử” như sau: Trước hết hỏi sơ lược về võ kinh, sau đó, trong ba kỳ đệ nhất, đệ nhị và đệ tam, đều thi về võ nghệ. Người nào trúng cách, gọi là viên sinh (như bậc sinh đồ khoa thi Hương); quan viên tử, quan viên tôn (con, cháu các quan) trúng cách, gọi là biền sinh (như người đỗ nho sinh khoa thi Hương).
Sau đó, đến thi về phương pháp mưu lược việc binh. Người nào trúng ngay ở kỳ này, gọi là học sinh (như bậc hương cống trong thi văn); quan viên tử, quan viên tôn trúng được, gọi là biền sinh hợp thức (giống như nho sinh trúng thức khoa thi Hội).
Còn về phép thi “bác cử”, thì ở kỳ đệ nhất, sẽ hỏi sơ lược về ý nghĩa bảy bộ sách binh thư. Bộ sử Cương mục chú giải bảy bộ sách gồm Lục thao tam lược của Thái Công, Binh pháp của Hoàng Thạch Công, Tôn Tử, Ngô Tử, Tư Mã và vấn đáp của Uất Liêu Tử, Lý Vệ Công.