Bên cạnh những môn võ nước ngoài mà ngày nay gần như trở nên quen thuộc với tất cả mọi người, như: Taekwondo, Judo, Karate, Aikido…, Trong dân gian Việt Nam còn có hai từ “Võ Ta” và “Võ Tàu” dùng để chỉ chung các môn võ có nguồn gốc tại Việt Nam (võ Ta), và Trung Quốc (võ Tàu).
Đề cập đến sự hữu dụng của hai môn võ này, có người cho rằng võ Ta chắc chắn phải hay hơn, bằng chứng là suốt quá trình chiến đấu chống ngoại xâm, võ Ta đã luôn mang lại chiến thắng sau cùng cho dân tộc Việt. Trong khi đó, một số người khác lại nói võ Tàu nhất định phải hay hơn võ Ta, bởi lẽ Thiếu Lâm, Vịnh Xuân… đều lừng danh bốn cõi. Vậy sự thật như thế nào?
Võ Ta là các môn võ có xuất xứ từ Việt Nam, do chính con người Việt Nam sáng tạo, một mặt đáp ứng nhu cầu chiến đấu để sinh tồn, mặt khác vừa để rèn luyện sức khỏe cũng như hun đúc tinh thần thượng võ. Trước đây, người ta thường chia võ Ta làm hai loại chính: Võ kinh và võ lâm. Võ kinh là loại võ ta được các triều đại phong kiến đúc kết lại dể huấn luyện và khảo thí cho binh lính ở kinh đô, kết hợp với binh thơ, đồ trận, nhằm phục vụ công cuộc bảo vệ và mở mang bờ cõi. Còn võ lâm là loại võ phổ biết trong nhân dân cả nước. Sỡ dĩ gọi võ lâm là vì ngày xưa, ngoài kinh đô là làng mạc tiếp giáp với rừng rậm, cho nên võ của dân chúng sử dụng chủ yếu là nơi rừng rậm, mà rừng còn gọi là lâm theo chữ Nho. Cả võ kinh và võ lâm đều bao gồm đủ các môn: quyền cước, binh khí, vật và công phu.
Quyền cước của võ Ta bao gồm những đòn tay, đòn chân tấn công hay phòng thủ, cộng với việc sử dụng các bộ phận khác của cơ thể như: dầu, vai, hông, mông… theo chiều hướng khác nhau để tạo thêm hiệu quả – hầu hết các môn võ ta đều có những bài tập tổng hợp toàn bộ các căn bản nói trên gọi là bài quyền (hay quờn, thảo) theo từng trình độ thấp lên cao. Binh khí của võ Ta vô cùng phong phú, cũng đủ loại trường đoản khác nhau. Có người nói rằng võ Ta có 18 loại binh khí giống như võ Tàu, và gọi là thập bát ban võ nghệ.
Tuy nhiên, trong thực tế, số lượng binh khí của võ Ta xem ra nhiều hơn 18 loại; trong đó có nhiều loại khá đặc sắc, như: sợi dây thừng, chiếc khăn dài… Võ Ta còn có vật. Môn vật trong võ Ta cũng có đủ các tư thế vật như các môn Judo, Sambo, Sumo. Đặc biệt, trong võ Ta, môn vật đã phát triển mạnh và trở thành một bộ môn riêng. Riêng môn công phu trong võ Ta, cho đến nay, vẫn chưa thể thống kê được là có bao nhiêu môn. Một số môn vẫn thường được nhắc tới như: xỉa mũi bàn tay xuyên thủng qua thân cây chuối, nhảy cao lên ngang (hay vượt qua) nóc nhà tranh…
Võ Ta phát triển suốt chiều dài lịch sử, từ Bắc vào Nam, tạo nên những vùng đất võ khá nổi tiếng như: Yên Thế ở Bắc bộ, Bình Định ở Trung bộ, Tân Khánh Bà Trà ở Nam bộ… Tuy vậy, võ Ta ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam đều có những bài quyền, bài binh khí giống nhau từ tên gọi, bài thiệu (tức những câu thơ chỉ tên đòn thế trong bài) cho đến các đòn thế kỷ thuật chính yếu trong bài. Chẳng hạn như các bài: Ngọc Trản Quyền, Lão Mai Quyền, Siêu Xung Thiên… Đặc biệt, từ năm 1938, một môn võ ta mới được hình thành bằng cách lấy võ và vật Việt Nam làm nòng cốt, hóa giải và thái dụng một số tinh hoa của các môn võ khác để cải tiến nền tảng kỹ thuật của mình theo nguyên tắc Cương Nhu Phối Triển, đó là môn Vovinam – Việt Võ Đạo. Đặc trưng kỹ thuật của môn võ Ta mới này là các đòn đá bay dùng hai chân kẹp cổ đối phương để quật ngã.
Trong khi đó, võ Tàu dùng để chỉ các môn võ có gốc gác từ Trung Quốc du nhập sang Việt Nam. Võ Tàu có rất nhiều môn phái, bên cạnh hai môn Thiếu Lâm và Võ Đang, còn có các môn khác như: Vịnh Xuân, Đường Lang, Thái Lý Phật, Hồng Quyền, Hồng Gia Quyền, Thái Gia Quyền… Riêng về môn phái Võ Đang mà nhiều người cho rằng biểu trưng của nó là Thái Cực Quyền, thực ra thì bản thân Thái Cực Quyền đã phân chia ra vô số hệ phái: Trần gia, Dương gia, Trịnh gia, Triệu gia, Ngô gia… với những kỹ thuật đặc trưng hầu như khác nhau hoàn toàn. Ngoài ra, võ Tàu còn có một môn khá mới mà nhiều người hâm mộ võ thuật của thế giới đều biết – đó là Wushu. Môn võ mới này tập trung tất cả những tinh hoa của võ thuật Trung Quốc với các bài quyền, bài binh khí (gọi là Taolu) cũng như kỹ thuật đối kháng (gọi là Shanshou hay tán thủ).
Cũng như võ Ta, các môn phái của võ Tàu đều có vô số những bài quyền, bài binh khí các loại hoàn toàn khác nhau. Mỗi bài như vậy cũng có những bài thiệu ghi tên đòn thế như trong võ ta. Về mặt kỹ thuật, mỗi một môn phái trong võ Tàu có những dặc trưng riêng thể hiện trong các bài quyền, bài binh khí của môn phái đó. Chẳng hạn như hầu hết các trường phái Thái Cực Quyền đều thể hiện bài quyền và bài binh khí của mình thật chậm rãi và vô lực, trong khi đó Hồng quyền thì đặc biệt chú trọng đến việc nén khí trong lồng ngực kết hợp với các dộng tác vận chuyển những cơ bắp ở tứ chi khi thi triển quyền pháp… Bên cạnh các kỹ thuật quyền cước, binh khí, võ Tàu còn nổi tiếng với các môn công phu như: khí công, nội công, ngoại công, điểm huyệt.. mà trong võ ta ít nghe nói tới.
Ta và võ Tàu khác nhau ra sao? Việc nhận diện những điểm khác nhau giữa võ Ta và võ Tàu khó có thể kể hết được trong phạm vi một bài viết ngắn. Trong bài này, với những kinh nghiệm bình thường của bản thân, chúng tôi xin nêu lên một vài điểm dị biệt giữa võ Ta và võ Tàu dễ nhận biết nhất. Đó là:
- Các bài thiệu của võ Ta thường là một bài thơ (tứ tự, ngũ ngôn, thất ngôn, lục bát, song thất lục bát), trong khi đó bài thiệu của võ Tàu là các nhóm từ gọi tên đòn thế, nằm rời rạc, không bắt vần nhau.
- Bài quyền và bài binh khí võ Ta thường chỉ triển khai chủ yếu theo một đường thẳng; trong khi đó các bài võ Tàu phát triển theo khá nhiều hướng (ba hướng, bốn hướng, tám hướng…). Kỹ thuật ra đòn trong bài quyền hay bài binh khí của võ Ta thường liên hoàn, tạo thành các mắt xích liền nhau. Còn kỹ thuật ra đòn trong các bài võ Tàu hầu hết đều có những điểm dừng nhất định, như để tạo hình cho từng đòn thế và thể hiện sự phát lực.
Vậy giữa võ Ta và võ Tàu, môn nào hay hơn?
Phải nói ngay rằng cả hai môn võ đều có những kỹ thuật hay, vì nếu không thì chúng đã không tồn tại đến ngày nay, mà đã bị loại bỏ theo qui luật đào thải của xã hội loài người. Còn việc so sánh để xem môn nào hay hơn môn nào thì thực ra trong lãnh vực võ thuật, không ai có khả năng thực hiện được, bởi mỗi một môn võ được hình thành và phát triển từ những con người và hoàn cảnh xã hội, địa lý khác nhau. Người ta chỉ có thể so sánh một người học võ Ta với một người khác học võ Tàu hơn hay kém nhau do mức độ luyện tập và phản ứng của người này hơn hay kém người kia!
Tóm lại, không thể nào so sánh môn võ này hơn môn võ kia được, mà chỉ có người học môn võ này hay hơn, hay kém hơn người học võ kia, do kỹ thuật và kinh nghiệm của chính bản thân người này hơn hay kém người kia mà thôi!
Theo VT
0 nhận xét:
Đăng nhận xét